'Hôm nay tôi phải về sớm để đưa bà ấy đi xem bắn pháo hoa'

Cả gia đình cô Lê Thị Hiệp làm nghề bán cơm tấm trên đường Đinh Bộ Lĩnh đã hơn 10 năm nay. Ở đây, chỉ có cơm gà giá 20.000 đồng, các món còn lại đồng giá 16.000 đồng, cô bán rẻ nên quán rất đông khách. Nhanh tay dùng chiếc kẹp lật lại miếng thịt nướng, cô bảo bình thường cô bán đến đêm khuya mới nghỉ nhưng hôm nay thì phải cố gắng bán hàng nhanh hơn để còn cùng cả nhà đi xem bắn pháo hoa.

Cô Lê Thị Hiệp. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Năm nay nhà có thêm cháu nội nên vui hơn. Tôi phải làm nhanh để tối còn đưa nó đi xem pháo hoa nữa” - cô Hiệp nói.

Cách quán cô Hiệp không xa là quán sửa xe nho nhỏ của anh Ba. Anh Ba là người Sài Gòn làm nghề sửa chữa xe đạp, xe máy trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh) đã hơn 20 năm nay. Anh Ba bảo ngày cuối cùng của năm với anh cũng như mọi ngày, vẫn làm việc đến tối về đưa tiền cho vợ là đi ngủ. 

“Cuối năm cũng thấy lòng nôn nao lắm. Người đi lại nhiều hơn. Nhưng tết Dương lịch thôi, mình vẫn làm việc. Phải có tiền thì mới lo cho vợ con được” - anh Ba cười nói.

Anh Ba sửa xe đạp, xe máy trên đường Đinh Bộ Lĩnh. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ngày hôm nay, Sài Gòn lại càng nhộn nhịp hơn với đèn hoa rực rỡ giăng khắp mọi nẻo đường, từ những con phố lớn ở trung tâm TP như quận 1, quận 3 đến những quận xa hơn như quận 4, quận 7…

17 giờ 30 chiều, các con đường ở Sài Gòn bắt đầu điệp khúc kẹt xe. Dòng người nối đuôi nhau nhích từng chút một, vẫn chờ đợi như mọi ngày nhưng dường như hôm nay mọi người sốt ruột hơn. Ngày cuối cùng của năm, ai cũng mong sớm trở về nhà.

"Hôm nay tôi phải về sớm để đưa bà ấy đi xem bắn pháo hoa" - ông Ninh Văn Thường Lạc nói. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trong lúc chờ đợi, tôi tấp xe lên vỉa hè con đường Võ Thị Sáu, quận 3 và dừng lại bắt chuyện với một người lái xe ôm tóc đã điểm bạc. Ông là Ninh Văn Thường Lạc, năm nay ông 61 tuổi. Ông bảo nhà ông không có con, chỉ có hai vợ chồng, vợ ông buôn bán nhỏ. Tiền dành dụm mà hai ông bà làm được thời trẻ cũng phần nào giúp hai người sống an nhàn tuổi già. Nhưng sợ “nhàn cư vi bất thiện”, tuổi này ông vẫn thích chạy xe vừa kiếm tiền vừa khuây khỏa. 

“Tôi chạy xe từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Nhưng hôm nay phải về sớm để đưa bà ấy đi xem pháo hoa. Mọi năm tôi với bà ấy thường ra cầu Thủ Thiêm xem họ bắn pháo hoa đẹp lắm. Noel cũng đi, tết cũng đi. Không có con là trời không cho rồi nhưng ngày xưa tôi đã hứa với bà ấy có bận thế nào thì những ngày này cũng về bên bà ấy đón giao thừa. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn nhớ lời hứa…” - ông cười chia sẻ.

Ngày cuối năm vắng khách nhưng vợ chồng chú Bảy vẫn luôn vui vẻ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trở về quán hủ tiếu chú Bảy (201/53 Nguyễn Xí, Bình Thạnh), quán hủ tiếu nhỏ xíu đồng giá 10.000 đồng từ hủ tiếu, nui đến mì, hoành thánh,… Quán nằm tít trong con hẻm nhỏ ngày nào cũng đông nghẹt khách nhưng hôm nay trở nên vắng hơn. Chú Bảy than: “Hôm nay ế quá trời. Ngày cuối năm người ta bận rộn quá hay sao mà chẳng mấy người đi ăn hủ tiếu”. Nói là vậy nhưng chú cười tươi rói, thêm vài câu bông đùa với mấy vị khách đang ăn. 
Tôi hỏi sao hôm nay không thấy hai con trai chú ra phụ rửa bát như mọi ngày, chú bảo ngày cuối năm cho hai đứa đi chơi, đi ngắm pháo hoa với bạn bè. Nói là vậy nhưng chỉ lát sau đã thấy “hai ông tướng” lót cót chạy ra rửa bát. Chú Bảy lắc đầu cười chẳng nói gì. Chú Bảy bảo ráng bán xong sớm sớm rồi cả nhà đi xem pháo hoa.

'Hôm nay tôi phải về sớm để đưa bà ấy đi xem bắn pháo hoa' ảnh 5
Chú Bảy bảo ráng bán xong sớm sớm rồi cả nhà đi xem pháo hoa. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ngày cuối cùng của năm cũ. Người xúng xính quần áo chuẩn bị đi chơi cùng bạn bè, người trở về bên gia đình với hạnh phúc bình dị: Mâm cơm gia đình, tiếng cười con trẻ. Ngoài kia - bên khung cửa sổ… gió vẫn hát vang khúc ca giao mùa. Một năm mới lại về!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm