Hơn 233 triệu liều vaccine dự kiến sẽ được Việt Nam tiếp nhận, sử dụng

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 hôm qua, 9-10, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin: tốc độ bao phủ vaccine của Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện tốc độ tiêm có thể đạt trung bình 1,5 triệu mũi mỗi ngày.

Bộ trưởng cho biết với tất cả các nước, các đối tác có khả năng cung cấp vaccine, Thủ tướng Chính phủ đều điện đàm, gửi thư, trao đổi.

Tính đến ngày 8-10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. 

Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, đã có 74 triệu liều vaccine về tới Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận cuộc họp lưu ý: trong bối cảnh vaccine vẫn khan hiếm, vì vậy, chúng ta phải chủ động hơn, phải thúc đẩy ngoại giao vaccine tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. 

Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể về lượng vaccine tiếp nhận trong những ngày tới, trong tháng 11, tháng 12 và năm 2022; chịu trách nhiệm hướng dẫn và phân bổ, điều tiết lượng vaccine đã có, tổ chức tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả. 

Tổng hợp của Pháp Luật TP.HCM cho thấy: đến nay, Chính phủ đã có Nghị quyết 21/2021 và Nghị quyết 90/2021 xác định nhu cầu vắc xin cần thiết phòng COVID-19.

Tính đến hạ tuần tháng 9-2021, số lượng vắc xin đã có cam kết viện trợ, tài trợ là khoảng 82,1 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, viện trợ của một số nước và 25 triệu liều vaccine hãng Sinopharm do Vạn Thịnh Phát tài trợ.

Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ dùng ngân sách và Quỹ vaccine phòng COVID-19 cho mua 111,4 triệu liều. Trong đó có những hợp đồng mua vaccine lớn của AstraZeneca và Pfizer. Cùng với đó là vaccine Abdala của Cuba và vaccine AstraZeneca mua lại của Hungary, vaccine Vero Cell của Trung Quốc.

Nếu tính tổng các vaccine đã mua, cam kết tài trợ, viện trợ và dự kiến mua trong năm 2021 thì số lượng vaccine mà Việt Nam nhận được nếu suôn sẻ có lên tới 193,5 triệu liều.

Nếu tính thêm số lượng vaccine theo Nghị quyết 73/2021 đối với việc mua vaccine Sputnik-V của Nga là 40 triệu liều nữa thì tổng số vaccine dự kiến lên tới 233,5 triệu liều. Số lượng 40 triệu liều vaccine Sputnik-V của Nga này do Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ.

Bộ Y tế căn cứ vào văn bản giới thiệu của Tập đoàn T&T C với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga để đàm phán, mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V bằng nguồn kinh phí hợp pháp do T&T huy động. Thông tin khả tín cho hay: nếu T&T đàm phán thành công thì tập đoàn này sẽ tài trợ 40 triệu liều này.

Tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM cho hay: riêng 170 triệu liều vaccine được Bộ Y tế đề xuất mua ở hai nghị quyết 21/2021 và 90/2021 thì kinh phí là 28.500 tỉ đồng.

Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10-2021, cơ bản kinh phí mua vaccine đã được Thủ tướng phê duyệt và Bộ Tài chính đã chuyển cho Bộ Y tế.

Liên quan đến vấn đề kinh phí mua vaccine, từ đầu tháng 9-2021 đến nay, Bộ Tài chính nhiều lần đề nghị Bộ Y tế gửi báo cáo về tình hình sử dụng vaccine, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm… phòng chống dịch COVID-19. Nhưng cho đến nay, Bộ Y tế chưa có phản hồi.

Trong một công văn Bộ Y tế hồi cuối tháng 9-2021 về báo cáo tình hình sử dụng vaccine, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho rằng: Việc báo cáo này là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như lãnh đạo Quốc hội tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm