Ngày 27-5, cảnh sát Hong Kong đã bắt 360 người tham gia biểu tình phản đối việc Trung Quốc sẽ ban hành luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong, báo South China Morning Post đưa tin.
Cảnh sát Hong Kong đã ra tuyên bố về tình hình biểu tình ngày 27-5. Cảnh sát cho biết biểu tình đã diễn ra suốt cả ngày nhưng đã gia tăng vào buổi chiều.
"Tình hình là đáng lo ngại vì các vũ khí tấn công, bao gồm bom xăng và các vật nhọn, được tìm thấy ở những nơi công cộng khi cảnh sát tiến hành tuần tra", tuyên bố của cảnh sát Hong Kong viết.
Người biểu tình Hong Kong dựng các rào chắn, làm ảnh hưởng tới việc lưu thông trên nhiều tuyến phố. Ảnh: SCMP
Người biểu tình đã bị bắt giữ tại các khu phố lớn như Trung Hoàn, Vịnh Đồng La, Kim Chung, Vượng Giác... vì biểu tình trái phép, tàng trữ vũ khí và vi phạm các quy định phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.
Buổi sáng khá yên ắng nhưng vẫn có biểu tình
South China Morning Post cho rằng vào buổi sáng 27-5, tình hình ở Hong Kong khá "yên ắng", dù vẫn có một số nhóm biểu tình nhỏ vào các giờ cao điểm.
Các vật nhọn và rào chắn đã xuất hiện trên các con phố ở khu dân cư Hồng Khám, quận Cửu Long Thành (khu Cửu Long) và khu đô thị Tướng Quân Áo, quận Tây Cống (khu Tân Giới).
Cảnh sát phải dỡ bỏ các rào chắn do người biểu tình ném vào đường ray tàu điện MTR tại trạm Quỳ Hưng để không ảnh hưởng đến hoạt động của các đoàn tàu. Nhiều trạm tàu điện khác trong khu vực đã bị đóng cửa.
Trong ngày đầu tiên các trường học mở cửa trở lại sau nhiều tháng liền tạm dừng hoạt động do đại dịch COVID-19, nhiều học sinh đã bỏ tiết và tham gia biểu tình ngồi.
Ở quận Thuyền Loan (khu Tân Giới), một số học sinh tham gia cùng đoàn người tuần hành từ nhà ga tàu điện đến các trường học.
Một học sinh trong nhóm biểu tình này cho rằng hành động của họ thể hiện sự thách thức chính quyền nhằm để "chính quyền biết rằng nhiều người không bao giờ ủng hộ luật an ninh quốc gia".
Cảnh sát Hong Kong đã sử dụng đạn hơi cay để trấn áp người biểu tình. Ảnh: SCMP
Hai người đã bị bắt với cáo buộc lái xe gây nguy hiểm khi tham gia nhóm biểu tình "lái xe chậm", cản trở hoạt động lưu thông trong đường hầm nối khu Cửu Long với đảo Hong Kong.
Căng thẳng gia tăng từ trưa và kéo dài tới tối muộn
Từ trưa, các nhóm biểu tình xuất hiện nhiều hơn và trên nhiều quận khác nhau. Thay vì mang mũ hoặc kính bảo hộ, mặt nạ phòng độc (giống trong các cuộc biểu tình năm 2019), hầu hết người biểu tình đều đeo khẩu trang.
Ở phố Trung Hoàn, quận Trung Tây (đảo Hong Kong), cảnh sát đã sử dụng đạn hơi cay để trấn áp đám đông biểu tình. Hàng trăm người đã tập trung tại các giao lộ đông đúc vào giờ ăn trưa. Cảnh sát Hong Kong đã ngay lập tức điều động hơn 100 sĩ quan tới khu tực này.
Tình hình ở Trung Hoàn đã hạ nhiệt từ khoảng 5 giờ chiều. Dù vậy, một số nhóm vẫn tiếp tục biểu tình và giăng các khẩu hiệu, biểu ngữ của mình trên một cầu vượt ở khu này.
Ở Vịnh Đồng La, quận Loan Tể (đảo Hong Kong), khoảng 80 người biểu tình đã bị bắt giữ trong chiều 27-5. Cảnh sát ở Vịnh Đồng La cũng đã sử dụng hơi cay để trấn áp đám đông phản đối việc bắt giữ những người trên.
Ở khu Vượng Giác, quận Du Tiêm Vượng (khu Cửu Long), hàng nghìn người biểu tình tập trung từ trưa và làm tê liệt một số tuyến phố. Các phần tử quá khích còn đốt phá để chặn các tuyến đường và ném các bình gas vào đống lửa và gây ra một loạt vụ nổ.
Xe bọc thép và vòi rồng được triển khai tới khu Vượng Giác để trấn áp người biểu tình. Ảnh: SCMP
Cảnh sát đã huy động vòi rồng và xe bọc thép đến khu vực này.
Cuộc biểu tình ở Vượng Giác vẫn tiếp tục cho tới tối muộn nhưng người biểu tình đã rời đi trước nửa đêm. Cảnh sát cũng rút khỏi khu vực và giao thông trên các tuyến phố cũng được nối lại.
Phong trào biểu tình ở Hong Kong đã tiếp tục sau khi chính quyền trung ương Bắc Kinh quyết định sẽ ban hành luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong.
Ít nhất 16 người, độ tuổi từ 14 đến 40, đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trước ngày 27-5. Trong đó, ba người bị bắt vì liên quan tới việc đem theo bom xăng khi biểu tình ở quận Thâm Thủy Bộ (phía tây khu Cửu Long).
Những người phản đối cho rằng hành động này sẽ gia tăng quyền kiểm soát của Trung Quốc đại lục lên đặc khu hành chính Hong Kong, làm xói mòn sự tự do và mức độ tự trị cao của vùng lãnh thổ này.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cam kết sẽ có những biện pháp đặc biệt hỗ trợ những người phải bỏ trốn khỏi Hong Kong sau khi tham gia các hoạt động biểu tình chống chính quyền. Bà Thái cho biết chính quyền Đài Loan sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt chuyên trách vấn đề nhân đạo của những người chạy loạn khỏi Hong Kong để giúp họ "sinh sống, chuyển tới và làm việc tại Đài Loan". Một lãnh đạo nhóm Hong Kong Outlander (có trụ sở ở Đài Loan) cho rằng vì tính chất "hà khắc" của luật an ninh quốc gia, nhiều người dân Hong Kong sẽ muốn được chuyển tới Đài Loan và tổ chức này đề xuất chính quyền Đài Loan áp dụng cơ chế đặc biệt trên "càng sớm càng tốt". |