Tờ South China Morning Post ngày 26-5 đưa tin Quốc hội Trung Quốc vừa công bố một số sửa đổi, bổ sung dự luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong đang gây tranh cãi thời gian gần đây.
Hiện chưa rõ nội dung chi tiết của các sửa đổi nói trên. Tuy nhiên, một nguồn tin nội bộ tiết lộ với South China Morning Post rằng nội dung dự thảo sẽ được mở rộng để xử lý cả "hành động" đe doạ an ninh quốc gia, chứ không chỉ dừng ở mức "hành vi".
Sinh viên Hong Kong biểu tình chống dự luật an ninh quốc gia mới ngày 24-5. Ảnh: REUTERS
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Hong Kong và Macau (Trung Quốc) Lau Siu-Kai, việc sửa đổi nội dung cho thấy một số đại biểu ở đại lục có ý muốn dự luật chỉ điều chỉnh những gì cần thiết. "Theo tôi, từ 'hành vi' là đủ nghĩa vì đã bao gồm hành vi cá nhân và phát ngôn của họ", ông Lau nói.
Trong khi đó, đài RHTK đưa tin một số luật sư chuyên về luật an ninh quốc gia ở đại lục nhận định rằng sửa đổi mới sẽ cho phép mở rộng phạm vi của luật để áp dụng không chỉ lên cá nhân mà còn lên cả các tổ chức.
Dù vậy, chuyên gia pháp lý ở ĐH Hong Kong - ông Albert Chen Hung-yee lại cho rằng việc sửa đổi một số từ ngữ thực chất không đáng kể vì Quốc hội Trung Quốc từng có hành động như vậy đối với một số dự thảo luật trước đây.
Cùng ngày, Trưởng Đặc khu Carrie Lam tiếp tục lên tiếng bác bỏ chỉ trích dự luật an ninh quốc gia mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và quyền tự quyết của Hong Kong. Cụ thể, bà Lam cho rằng một số quốc gia phương Tây đã ban hành những đạo luật tương tự và đến nay không có hậu quả gì nghiêm trọng.
Về vấn đề các lực lượng an ninh, tình báo Trung Quốc sẽ đặt chân lên lãnh thổ Hong Kong do dự luật cho phép Bắc Kinh thiết lập các trụ sở cơ quan an ninh, tình báo lên đặc khu này, bà Carrie Lam khẳng định những nhân viên đại lục vẫn phải tuân thủ luật pháp Hong Kong.
Đồng thời, lực lượng của đại lục cũng không được phép làm bất kỳ việc gì xâm phạm đến quyền công dân và quyền tự do của người dân Hong Kong.
Theo South China Morning Post, dự luật an ninh quốc gia dự kiến sẽ được đem ra bỏ phiếu vào ngày 28-5 (giờ địa phương). Tờ này cũng cho biết hiện số đại biểu ủng hộ đông hơn đại biểu phản đối. Nếu được thông qua thành công, dự thảo sẽ được chuyển lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để soạn thảo chi tiết thành luật chính thức.