Hong Kong: Người biểu tình không thể vào được sân bay

Ngày 1-9, sân bay quốc tế Hong Kong lại lần thứ hai trong vòng ba tuần phải chịu cảnh hỗn loạn vì biểu tình.

Vì có lệnh huấn thị nên người biểu tình không vào sân bay, không thành công trong việc làm tê liệt hoạt động sân bay như ba tuần trước, báo SCMP đưa tin.

Cảnh sát dày đặc bên trong sân bay Hong Kong ngày 1-9. Ảnh: SCMP

Ngày 12 và 13-8, hoạt động của sân bay quốc tế Hong Kong - một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới - bị người biểu tình làm tê liệt. Tổng cộng có đến 979 chuyến bay bị hủy. Người biểu tình còn khiến nhiều hành khách quốc tế sốc khi tấn công và bắt giữ hai người đàn ông Trung Quốc đại lục tại sân bay.

Người biểu tình cố gắng chen vào sân bay trong ngày 1-9. Ảnh: SCMP

Ngày 1-9, không vào được sân bay, người biểu tình tập trung gây hỗn loạn bên ngoài nhà ga và làm xáo trộn giao thông cả TP, đặc biệt các tuyến đường hướng về sân bay.

Kẹt xe nghiêm trọng ở cầu Tsing Ma hướng đến sân bay quốc tế Hong Kong ngày 1-9. Ảnh: SCMP

Người biểu tình cho phóng hỏa ở bên ngoài nhà ga sân bay, đập phá các máy quay giám sát, các xe đẩy hành lý, lập hàng rào ngăn cảnh sát tiếp cận.

Người biểu tình dựng rào cản tại sân bay quốc tế Hong Kong ngày 1-9. Ảnh: SCMP

Họ đập phá cửa kính bảo vệ các vòi rồng chống lửa, lấy vòi rồng ra phun ướt đường nhằm cản trở cảnh sát.

Người biểu tình cướp vòi rồng phun nước bên ngoài nhà ga sân bay. Ảnh: SCMP

Một nhóm người biểu tình tổ chức cản trở hoạt động của tuyến tàu điện đưa đón sân bay. Họ ném gạch đá, chọc thanh kim loại qua hàng rào ngăn tuyến tàu điện này. Và cơ quan quản lý đã buộc phải ngưng hoạt động dịch vụ tàu điện này vì quá nguy hiểm.

Người biểu tình cản trở hoạt động của tuyến tàu điện đưa đón sân bay. Ảnh: SCMP

Vì nhiều tuyến đường tiếp cận sân bay bị phong tỏa, nhiều hành khách phải chọn cách kéo hành lý đi bộ hàng cây số để đến sân bay.

Hành khách phải kéo hành lý đi bộ trên đường quốc lộ để đến sân bay vì giao thông bị người biểu tình phong tỏa trong cuộc biểu tình ngày 1-9 tại Hong Kong. Ảnh: SCMP

Dù hoạt động sân bay không bị tê liệt như ba tuần trước nhưng vẫn có trường hợp các hãng bay phải hủy và hoãn bay.

Hành khách và phi hành đoàn kéo hành lý đi bộ về sân bay. Ảnh: SCMP

Không vào được sân bay, người biểu tình chuyển mục tiêu sang các trạm tàu điện. Nhiều trạm tàu điện bị tấn công, phòng điều khiển bị đập phá, hệ thống máy quay giám sát bị tháo bỏ, bẻ bỏ các thanh chắn ở cửa soát thẻ để vào mà không phải trả tiền, phá vòi rồng chữa cháy. Nhân viên các trạm không thể làm được gì trước làn sóng người biểu tình quá lớn.

Người biểu tình đập phá tại trạm tàu điện Tung Chung ở Hong Kong ngày 1-9. Ảnh: SCMP

Với chiến dịch “thử sức ép” này, người biểu tình muốn buộc chính quyền Hong Kong phản hồi các yêu cầu của mình sau ba tháng biểu tình.

Khuya 1-9, chính quyền Hong Kong ra một tuyên bố lên án nặng nề các hành động phá hoại và vô pháp luật của người biểu tình. Cơ quan quản lý tàu điện Hong Kong ra tuyên bố lên án mạnh việc người biểu tình phá hoại các trạm tàu điện.

Người biểu tình đi bộ trên đường quốc lộ kéo về trung tâm TP Hong Kong tối 1-9. Ảnh: SCMP

Cuộc biểu tình ngày 1-9 là ngày biểu tình thứ hai trong cuối tuần biểu tình thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6 đến nay. Ngày 31-8, bất chấp lệnh cấm biểu tình của chính quyền, hàng chục ngàn người vẫn tham gia một cuộc biểu tình rực lửa, đầy bạo lực.

Cuộc biểu tình bạo lực ngày 31-8 đã khiến cảnh sát phải nổ hai phát súng cảnh cáo và bắt giữ 63 người. Ảnh: SCMP

Không chỉ phóng hỏa trên đường phố, lập rào cản, người biểu tình còn ném gạch đá, bom xăng vào cảnh sát. Phần mình, cảnh sát không chỉ huy động vòi rồng, đạn cay đối phó mà còn nổ hai phát súng cảnh cáo người biểu tình. Đây là lần thứ hai cảnh sát nổ súng trong 13 tuần biểu tình. Khoảng 63 người biểu tình bị bắt trong ngày 31-8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới