Dòng sông Bồ chảy qua thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Những ngày sau đợt lũ lịch sử nửa đầu tháng 11, nước sông vẫn còn một màu trắng bạc. Hai bên dòng sông, người dân khẩn trương dọn dẹp lại lồng bè bị nước lũ cuốn trôi, làm hư hỏng nằm ngổn ngang.
“Trắng tay rồi chú ạ!”
Ông Hoàng Dũng, 49 tuổi, ngụ thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, vẫn nhớ như in phút sinh tử khi ông bị nước lũ cuốn cùng lồng cá trôi cả chục km: “Sáng 5-11, nước lũ bất ngờ lên cao, lồng cá bị đứt cuốn cả lồng và tôi cùng trôi. Khi trôi trên sông khoảng 15 km, lồng cá bị nhấn chìm, tôi may mắn bơi được vào bờ. Sau khi lũ rút, tôi đi tìm lại lồng cá mới được làm hết 30 triệu đồng nhưng không thấy đâu nữa”.
Chị Bé, vợ ông Dũng, cho biết: “Vợ chồng tôi dự định bán lồng cá này sẽ mua chiếc xe đạp cho con gái và dành tiền cho đứa lớn vào ĐH. Nhưng giờ thì xe đạp không có mà lồng cá cũng không còn”.
Ông Nguyễn Phúc, ngụ thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, nói: “Nhiều năm nay, mọi việc trong gia đình tôi như tiền ăn uống, điện nước và con cái học hành đều trông cậy vào lồng cá nhưng giờ thì trắng tay rồi chú ạ!”.
Theo ông Phúc, nuôi cá lồng thường phải mất hơn nửa năm đến 1,5 năm mới có thể xuất bán. Nhưng chưa hết một năm nay người dân nuôi cá trên sông Bồ phải chịu hai lần cá chết, đẩy họ vào cảnh trắng tay, nợ nần.
Người dân vớt cá đi tiêu hủy. Ảnh: NGUYỄN DO
Ông Hoàng Kinh Kha, trú thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, ngồi bên những lồng cá bị rách nát kể: “Mới sáng sớm nước đã về rất nhanh khiến chúng tôi không trở tay kịp. Lúc đầu cá mới chết thì còn cố gắng vớt vát nhưng sau hơn một tiếng nước lên nhanh, cá chết nổi trắng lồng chúng tôi chỉ biết đứng nhìn”.
Tổng thiệt hại mà gia đình ông Kha ước tính khoảng 1 tỉ đồng. Hiện gia đình ông Kha lâm vào cảnh nợ nần. Vợ ông Kha nói: “Giờ tiền thức ăn cho cá nhà tôi đang nợ 600 triệu đồng, không biết lấy đâu ra trả. Kiểu này bị siết nhà mất thôi!”.
Không có cơ sở hỗ trợ dân
Chúng tôi đặt câu hỏi về việc người nuôi cá lồng đang nợ nần, đời sống hết sức khó khăn, chính quyền có sự hỗ trợ nào không, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Thừa Thiên-Huế), trả lời: Việc hỗ trợ cho bà con phải làm theo Nghị định 02/2017 (về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh - PV).
14.000 là số lồng nuôi cá hiện có tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, cao gần gấp ba lần so với thời điểm năm 2016. Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt lũ nửa đầu tháng 11 vừa qua khiến 386 lồng cá chết với số lượng cá chết ước tính khoảng 410 tấn. Ngoài ra, có 352 lồng cá bị trôi, thiệt hại ước tính hơn 283 tấn cá. |
Cũng theo ông Bình, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, thống kê, xác định cụ thể mức độ thiệt hại của từng hộ, từng địa phương để làm cơ sở đề xuất, kiến nghị Nhà nước có mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, đây là một việc chưa có tiền lệ vì người dân nuôi thủy hải sản theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch và lịch trình thời vụ nuôi trồng nên cơ quan chức năng không có căn cứ xác định mức độ thiệt hại để đề xuất hỗ trợ.
“Do người dân nuôi cá không đúng theo lịch mùa vụ của chi cục đã ban hành nên gặp phải rủi ro nói trên” - ông Bình nói. Được biết theo lịch mùa vụ của Chi cục Thủy sản về nuôi cá lồng thì thời gian thả nuôi từ đầu tháng 1 đến ngày 15-9. Nhưng theo người dân, khoảng thời gian trên thì không đủ để các loại cá có thể phát triển để xuất bán.
Về việc người dân phản ánh cá chết là do thủy điện xả lũ, ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy thủy điện Hương Điền, cho hay: “Đợt xả lũ vừa rồi chúng tôi đã làm theo đúng công văn chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Nên thủy điện không có hỗ trợ hay bồi thường cho người dân về việc cá lồng bị trôi và chết vừa qua”.
Khó khăn từ khi có thủy điện Lão nông Lê Quang Beng, 85 tuổi, trú thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, là người đã có hàng chục năm nuôi cá lồng trên sông Bồ. Ông nói nghề nuôi cá lồng đã giúp nhiều hộ dân sống bên dòng sông Bồ thoát nghèo. Nhưng khi xuất hiện các nhà máy thủy điện, nghề nuôi cá bắt đầu gặp khó khăn. Mùa khô thì thủy điện tích nước làm hạ du cạn nước khiến cá thiếu ôxy chết; mùa mưa thì xả lũ khiến cá bị sốc nước chết hàng loạt. “Riêng cơn lũ vừa qua, cả đời tôi chưa bao giờ thấy cá chết nhiều như vậy. Cá chết trắng lồng, chở đi chôn không kịp” - ông Beng nói. Được biết hiện có ba nhà máy thủy điện ảnh hưởng đến việc nuôi cá lồng trên sông Bồ gồm: Thủy điện Hương Điền xây trên sông Bồ tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, công suất 81 MW, khởi công tháng 5-2005, hoàn thành tháng 10-2013; thủy điện Bình Điền xây trên sông Hữu Trạch tại xã Bình Điền và Bình Thành, thị xã Hương Trà, công suất 48 MW, khởi công tháng 1-2005, hoàn thành tháng 4-2009; thủy điện Tả Trạch xây dựng trên thượng nguồn sông Hương tại xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, công suất 21 MW, khởi công tháng 9-2008, hoàn thành năm 2014. Từ đầu tháng 11, các nhà máy thủy điện này lần lượt có ba đợt xả lũ vào các ngày 2, 4 và 20. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, từ chiều 3 đến 8-11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, trên các sông xuất hiện các đợt lũ lớn. |