Tôi biết con gái ông Thái Ngọc trước khi biết ông. Như mọi gã đàn ông có chút vốn liếng khoa môi múa mép, lúc nhàn rỗi tôi thường kiếm cớ ghé thăm nhà sách lớn nhất Đà Nẵng nằm bên bờ sông Hàn để tán chuyện với mấy cô gái đứng quầy xinh xắn. Một lần, khi tôi thao thao bất tuyệt kể chuyện "ở vùng núi kia, có người đàn ông suốt đời không ngủ... sống cùng người vợ tảo tần dưới một thung lũng đọng đầy gió trăng...”, thì bất chợt nghe cô gái đứng quầy tên Mai nói tỉnh rụi: "Cha em đó!”.
Theo lời chỉ đường của Mai, tôi ngược dòng sông Thu tìm đến chợ Trung Phước. Vừa tấp vào một hiệu may để hỏi thăm đường, tôi lại nghe cô gái có đôi mắt trong veo đang ngồi bên bàn máy may bảo: "Cha em đó!”. Cô gái này tên là Cúc. Cúc là chị của Mai và là 2 trong số 6 người con của ông Thái Ngọc. Sống cùng ông bà trong trang trại ở thung lũng Nà Trăng hiện nay chỉ có anh con trai tên là Thái Thắng.
Cả 6 người con ông Ngọc đều lập gia đình muộn, nhưng ai cũng quý mến và rất hiếu hạnh với người cha không bao giờ...thèm ngủ của mình. Theo lời những người dân quê mộc mạc vùng Trung Phước thì bất cứ ai dù tình cờ hay cố ý hỏi chuyện về ông Thái Ngọc đều nghe các con ông trả lời, bắt đầu bằng câu:"Cha em đó!”
Nghe vợ báo có khách, ông Ngọc đang trầm mình tránh nắng ngoài suối, cứ ở trần chạy chân đất về nhà. Có hai điều khiến tôi ngạc nhiên về người đàn ông vừa gặp, đó là màu da và đôi mắt. Da ông Ngọc đen nhưng là màu đen rất hiếm gặp của đồng hun, bóng nhẫy trên các cơ bắp săn cứng đã khô quắt do tuổi già. Suốt buổi chuyện trò, tôi không hề thấy ông Ngọc chớp mắt.
Cảm giác của tôi là người đàn ông này có đôi mắt to, sâu, sáng, đen và hồn nhiên hơn bình thường. Không hề có chút ưu tư hay già nua mỏi mệt trong đôi mắt người đàn ông kỳ lạ này. Đã 75 tuổi đời nhưng trong đôi mắt người đàn ông "không thể nào ngủ được”, tôi vẫn đọc thấy nét hồn nhiên của đứa trẻ đang còn cưỡi lưng trâu. Theo lời ông Ngọc thì chứng không thèm ngủ của ông bắt đầu lúc ông tròn 20 tuổi và biết vụng trộm tâm tình với một cô gái hái dâu.
Cảm giác lâng lâng cùng cô gái ở bụi tre ven sông, cứ ám ảnh mãi trong đầu khiến ông không thể nào ngủ được! Năm 22 tuổi, ông Ngọc được cha mẹ cưới cho một cô gái đẹp nổi tiếng trong vùng nhưng chứng mất ngủ vẫn cứ đeo đẳng và cho đến năm 30 tuổi (1970) thì ông mất ngủ hẳn. Không ngủ được, ông thắp đèn làm quần quật đủ thứ việc nhà nông như cuốc đất, làm cỏ, bóc đậu, nấu rượu, thái cây chuối cho heo ăn. Thời trẻ cũng thế, bây giờ già rồi cũng thế.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Ngọc nằm chênh vênh trên trái đồi lúc nào cũng ngun ngút gió dưới chân ngọn núi Rạ. Gió ở đây nhiều đến độ mọi thứ cây ăn trái trong trang trại của ông cứ quắt queo và ngả ràn rạt về một phía. Gió đã vậy, nắng còn khủng khiếp hơn, cứ như rang chín mọi thứ trong đáy chảo gang. Nắng gió nghiệt ngã coi như cướp không một nửa thành quả lao động của người 45 năm không ngủ.
Làm việc cả ngày lẫn đêm suốt 45 năm trời để tạo ra một trang trại có đủ ruộng, vườn, ao cá, nhưng gia sản của ông Ngọc cũng chẳng khác gì mấy so với những nông dân lam lũ vùng quê Trung Phước. Đất đai toàn đá và bạc màu nên 5 sào ruộng của ông mỗi năm chỉ thu hoạch được trên 100 ang lúa. "Nuôi gà chỉ đủ chia cho chồn, nuôi heo chỉ đủ xẻ thịt làm đám giỗ”, ông Ngọc nói.
Chuyện chi tiêu chợ búa của gia đình ông trông cậy vào cái lò nấu rượu, mỗi ngày 5 lít, bán được 25.000 đồng. Tằn tiện đủ sống nhưng người đàn ông không ngủ lại sẵn sàng khước từ hàng ngàn USD đặt trước của vài hãng truyền hình nước ngoài có tham vọng độc quyền ghi hình ảnh sinh hoạt của ông, với lý do đơn giản là "không thích”. Thấy tôi chìa máy ghi âm ra, ông Ngọc nheo mắt bảo: "Tui chỉ ước có vài triệu mua cái máy bơm về tưới cho nó đã!”.
Ông Ngọc cũng từ chối sự bảo lãnh của đoàn làm phim Thái Lan, sang bên ấy chữa bệnh vì theo như ông nói "không ngủ được thì có ảnh hưởng chi mô mà chữa”. Từ hồi trai trẻ đến giờ, ông Ngọc cũng chưa một lần nào đến bệnh viện để hỏi bác sỹ xem nguyên nhân mất ngủ. Cách đây gần 10 năm, tôi từng đem chuyện hàng chục năm trời không ngủ của ông Ngọc hỏi bác sĩ Nguyễn Gia Thiều - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam.
Bác sỹ Thiều cho rằng, đây là chuyện rất hy hữu nhưng hoàn toàn không có gì nguy hiểm, vì hiện tượng không ngủ kéo dài trong nhiều năm phần lớn là do hệ thống thần kinh trong não bị xáo trộn, hoàn toàn không có chuyện chấn động, ức chế tâm sinh lý hay tác động nào của môi trường xã hội tạo nên. Đúng là 45 năm trời không ngủ chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống bình dị của người đàn ông này.
Sau Tết Ất Mùi, tôi lên Trung Phước có ghé thăm trang trại của ông, nghe ông khoe "tui rứa mà có 5 đứa cháu nội ngoại rồi anh!”. Vợ chồng ông không nấu rượu nữa, vì theo lời ông lời lãi chẳng bao nhiêu. Lò rượu không nổi lửa nhưng ở tuổi 75, người đàn ông cả đời không ngủ vẫn đều đặn lên đồi, gánh mỗi ngày 2 gánh củi nặng trăm cân về để đêm nằm không ngủ đốt cho nó vui tuổi già.