Israel dọa tấn công Iran: Hậu quả khôn lường

“Hậu quả khôn lường” là cụm từ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta dùng trong buổi họp báo ngày 10-11 tại Lầu Năm Góc vài giờ sau khi Iran cảnh báo rằng tấn công vào các cơ sở hạt nhân của nước này sẽ đối mặt với “bàn tay sắt”.

Ông Panetta nói ông hoàn toàn đồng ý với nhận định của người tiền nhiệm là Robert Gates, theo đó, tấn công Iran chỉ có thể trì hoãn chương trình hạt nhân, đồng thời khiến nhân dân Iran đoàn kết hơn và toàn tâm toàn ý chế tạo bằng được vũ khí hạt nhân.

Ông Panetta nhìn nhận rằng hành động quân sự sẽ thất bại trong việc cản trở “những gì họ muốn làm” nhưng “quan trọng hơn cả là sẽ tác động mạnh đến khu vực, tác động mạnh đến lực lượng Mỹ trong khu vực. Chúng ta phải xem xét một cách thận trọng những tác động này”.

“Sốc” dầu thô

Trong các biện pháp trả đũa nhắm vào Israel và những cơ sở quân sự lẫn dân sự của Mỹ trong vùng Vịnh, Iran có thể tấn công những cơ sở công nghiệp dầu khí trong vịnh Ba Tư. Nhưng đối với các nhà kinh tế,  sợ nhất là eo biển Hormuz – tuyến đường vận chuyển 40% lượng dầu thô thế giới – bị Iran phong tỏa. Mỗi ngày có 15,5 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển này, phần lớn là dầu xuất khẩu của Iran.

Mohammad Karim Abedi, một thành viên thuộc Ủy ban An ninh quốc gia của Quốc hội Iran, cảnh cáo rằng bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Iran sẽ dẫn tới một “thảm họa kinh tế” đối với các nước phương Tây. Đây không phải là lời đe dọa suông. Dự trữ dầu thô của Iran đứng hàng thứ ba thế giới.

Một cuộc khảo sát do Công ty Rapidan Group của Mỹ thực hiện cho biết các nhà kinh doanh dầu thô ước tính mỗi thùng dầu thô sẽ tăng 11 USD ngay sau khi Israel mở màn cuộc tấn công Iran. Sau 30 ngày, giá dầu sẽ tăng lên 175 USD/thùng.

Israel dọa tấn công Iran: Hậu quả khôn lường ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: Topnews

Nhật báo Anh Financial Times dẫn lời ông Philip Verleger, một nhà tư vấn độc lập, dự báo nếu eo biển Hormuz đóng cửa, giá dầu có thể tăng lên 200 USD/thùng. Verleger từng tiên đoán chính xác giá dầu hồi tháng 8-1990 sau khi Iraq xâm lăng Kuwait.

Ông Verleger, trong một công trình nghiên cứu tác động của dầu thô Iran lên thế giới nếu có xung đột vũ trang ở Trung Đông, giải thích rằng sở dĩ giá dầu có thể tăng cao như vậy là do Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước nhập khẩu dầu thô của Iran lớn nhất, tranh mua để bù đắp thiếu hụt. Lúc đó, một kịch bản khủng hoảng dầu tương tự như hồi cuối thập niên 1970 sau khi chế độ vua Shah Iran sụp đổ sẽ xảy ra.

Viễn ảnh kinh hoàng

Bên lề Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á tổ chức mới đây tại St.Petersburg, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng tấn công Iran sẽ gây ra một thảm họa ở Trung Đông. Ông nói: “Chúng ta cần hạ hỏa và tiếp tục thảo luận một cách xây dựng mọi vấn đề ở Trung Đông, bao gồm cả vấn đề chương trình hạt nhân của Iran”.

Rất nhiều chuyên gia Âu Mỹ cũng có chung nhận định: Một cuộc tấn công vào Iran  sẽ đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc xung đột vũ trang toàn khu vực với những hậu quả nghiêm trọng và khó lường.

Giáo sư Richard Russel công tác tại Đại học Quốc phòng Mỹ tin rằng nếu Israel tấn công Iran, các đồng minh của Iran sẽ dùng chiến thuật du kích đánh trả Israel. Phe Hamas ở phía Nam và phe Hizbollah ở phía Bắc có khả năng mỗi ngày bắn cả trăm quả tên lửa vào Israel.  Ai cũng biết sau cuộc chiến thứ hai ở Lebanon, Hizbollah đã  tăng cường kho tên lửa của mình. Hamas và Hizbollah có thể gây khó khăn cho Israel vì bị tấn công tứ phía từ Iran, Palestine và Lebanon.

Israel dọa tấn công Iran: Hậu quả khôn lường ảnh 2

Eo biển Hormuz- tuyến đường vận chuyển 40% lượng dầu thô của thế giới. Ảnh: NASA

Cho rằng Mỹ xúi giục Israel đánh mình, Iran cũng sẽ tấn công các căn cứ quân sự, tàu chiến Mỹ, tòa đại sứ và những cơ sở lợi ích của Mỹ ở các nước vùng Vịnh. Hành động này buộc Mỹ phải đánh trả Iran.

Ông Barah Mikail, một chuyên gia về Trung Đông, cũng cho rằng Iran sẽ kích động các tổ chức thân Iran ở Iraq và Afghanistan tấn công liều chết vào những cơ sở lợi ích của Mỹ và các nước phương Tây ở hai nước này. Như thế sẽ có cả chiến tranh quy ước và chiến tranh du kích toàn khu vực, một viễn ảnh thật sự kinh hoàng.

Nhà báo Simon Jenkins, trong một bài xã luận đăng trên nhật báo The Guardian, lưu ý rằng những quả bom phương Tây không thể chinh phục được Tehran. Israel có thể được tạm yên nhưng nước này và các nước phương Tây sẽ không được “ăn ngon, ngủ yên” bởi sẽ bị khủng bố liên tục.

Bài xã luận của nhật báo Israel Yediot Aharonot gần đây, sau khi nhắc lại những cuộc không kích cơ sở hạt nhân của Iraq năm 1981 và của Syria năm 2007, cảnh báo rằng Iran không dễ bắt nạt như hai nước vừa kể.  Hơn 10 năm qua, Iran đã biết trước thế nào cũng bị Israel tấn công, cho nên đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ các nhà máy làm giàu uranium mà phần lớn có dạng boong-ke chôn sâu trong lòng đất. Iran cũng phát triển một hệ thống phòng không hiện đại.

Đặc biệt, bài xã luận lưu ý chính quyền Tel-Aviv rằng Iran có thể bắt sống được cả chục phi công Israel và cái giá phải trả không chỉ là 1.000 tù nhân Palestine đổi lấy binh nhì Gilad Shalit, mà còn hơn thế nữa.

Theo Văn Anh (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm