Điều gì xảy ra khi Philippines ngả về Trung Quốc - phần 2

Kế sách 'tọa sơn quan hổ đấu' liệu có thành công?

Như bài báo ở phần 1 đã phân tích, ông Duterte chọn cách “phá băng” quan hệ với TQ bằng cách đánh đổi hai tài sản quan trọng. Một là quan hệ đồng minh với Mỹ có nguy cơ tan vỡ trước những tuyên bố ngoại giao quá trớn và vô tiền khoáng hậu.

Thứ hai là phán quyết Tòa trọng tài vốn có tầm quan trọng lịch sử trên mặt trận pháp lý trong tranh chấp biển với TQ. 

Chính ông  Duterte cũng khẳng định “phát triển kinh tế Philippines quan trọng hơn là việc gia tăng căng thẳng với TQ”.

Nhiều hợp đồng tỉ USD được ký kết

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez cho biết trong tuần lễ chuyến thăm của ông Duterte tới TQ, hai nước đã ký các hợp đồng thương mại lên đến 13,5 tỉ USD.

Một thông báo từ TQ sau cuộc gặp của hai vị lãnh đạo cho biết họ đã ký 13 thỏa thuận và nhất trí đẩy mạnh những cải tiến toàn diện đối với quan hệ hai bên, tuy nhiên không cho biết chi tiết về các thỏa thuận.

Phải chờ đến sau khi chuyến thăm kết thúc mới biết được cụ thể những hứa hẹn của TQ nhằm đáp lại thiện chí của phía Manila.

Một trong những thông tin được Reuters tiết lộ là khả năng TQ và Philippines sẽ thỏa thuận việc cho phép ngư dân cả hai nước cùng đánh cá tại bãi cạn Scarborough.

TQ không quên trấn an “người anh em” Philippines bằng những hứa hẹn trong thúc đẩy đầu tư hạ tầng, mở cửa cho dòng sản phẩm trái cây của người dân Philippines rộng đường vào thị trường rộng lớn.

Đạt lợi ích từ đối đầu Mỹ-TQ?

Một tính toán khả dĩ khác trong sự thay đổi chính sách đối ngoại của Philippines chính là tạo áp lực để Mỹ quyết liệt hơn trong quan hệ với Philippines, cùng lúc đó tận dụng lợi ích ưu đãi từ Bắc Kinh.

Rõ ràng trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama, Mỹ đã không thể làm TQ trả giá đáng kể cho những hành động hung hăng của Bắc Kinh ở khu vực.

Sự kiện TQ bất ngờ “đẩy” Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012, gia tăng dân sự hóa lẫn quân sự hóa các vùng tranh chấp biển Đông đã làm giảm niềm tin đồng minh đáng kể của Manila với Washington. Trong khi đó, Mỹ hiện vẫn cần tiếp cận và sử dụng năm căn cứ quân sự hải quân của Philippines để thách thức chính sách bành trướng của TQ.

Ông Tập Cận Bình đã mô tả người dân Philippines và Trung Quốc như "anh em chung một dòng máu".

Cao trào của mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” này là bất đồng trong chính sách chống ma túy của ông Duterte. Tổng thống Duterte tuyên bố tại TQ “Sự hiện diện của Mỹ tại Philippines chỉ phục vụ cho lợi ích của Mỹ mà thôi”.

Việc Manila đột ngột bắt tay với Bắc Kinh và “tạm biệt” Mỹ giống như dội một gáo nước lạnh vào Washington, đe dọa khả năng can thiệp của Mỹ tại khu vực.

Kế sách 'tọa sơn quan hổ đấu' liệu có thành công?

Nhiều chuyên gia lo ngại cho chiến lược của ông Duterte trước một TQ tham vọng lớn và khó tin cậy. Tờ Time dẫn lại ý kiến của nhiều người TQ nhận định về chuyến thăm của ông Duterte rằng “chúng ta (TQ) không thể trông cậy vào ông Duterte, bởi vì ông ấy sẽ theo bất kỳ ai chịu móc hầu bao. Ông Duterte rất giỏi trong việc tận dụng quan hệ TQ – Mỹ, và mặc cả ở mọi nơi”.

Trên tờ Finacial Times, ông Richard Javad Heydarian, chuyên gia khoa học chính trị tại Trường ĐH De La Salle (Philippines) nhận định quyết định hạ nhiệt trong quan hệ với TQ của ông Duterte mang về nỗi lo cho Manila vốn vẫn chưa thể quên những xung đột như mới hôm qua ở bãi cạn Scarborough. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá sự phục hồi quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Manila sau những ngày tháng “tan băng” vừa qua.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ và Chiến lược (CSIS, Mỹ) nói với Pháp Luật TP.HCM rằng “dường như ông Duterte tin rằng ông có thể đưa Mỹ và TQ vào một cuộc chơi đối đầu với nhau và Philippines sẽ thu lợi từ sự đối đầu đó. Ông ấy tham vọng đạt được các lợi ích kinh tế từ việc xích lại gần hơn với TQ. Tôi nghĩ chiến lược này sẽ khó có thể thành công”.

Philippines tạo tiếng vang nhất định trong các hoạt động đối ngoại. Tuy nhiên chơi cùng lúc với hai cường quốc: một bên là cường quốc toàn cầu Mỹ với hệ thống đồng minh rộng, một bên là cường quốc khu vực TQ khó lường, thì cuộc chơi không đơn giản nằm trong kế sách “tọa sơn quan hổ đấu” của Manila.

Tôi tin rằng Mỹ sẽ cố giữ chân đồng minh của mình để đảm bảo lợi ích của Mỹ. Thực tế Mỹ đã có những nền tảng lâu dài trong quan hệ với Philippines. Tuy vậy quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines có thể sẽ hạn chế hơn.

Tiến trình xây dựng nâng cao năng lực hàng hải của Philippines cũng chậm lại. Nếu ông Duterte không đạt được những gì ông kỳ vọng từ TQ, có thể ông ấy sẽ xoay trục chính sách của ông ấy về phía Mỹ và tiếp tục tìm cách củng cố quan hệ liên minh với Washington.

Bà Bonnie Glaser (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ và Chiến lược - CSIS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới