Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:

Kém minh bạch và tham nhũng làm chết đất nước

Ngày 13-1, tại hội nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phần trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trở thành cuộc đối thoại gần gũi, cởi mở, thẳng thắn giữa ông và các đại biểu mặt trận. Một lần nữa, câu chuyện phải minh bạch, chặt đứt cơ chế xin-cho được Bộ trưởng Vinh nêu lên. Pháp Luật TP.HCM lược ghi cuộc đối thoại này.

 “Đất nước này cần minh bạch và không được tham nhũng vì đấy là những thứ làm đất nước chết nhanh chóng nhất. Để làm được việc ấy thì sẽ đụng chạm rất nhiều người, mất rất nhiều thứ quyền hạn. Nhưng dù vậy cũng phải làm. Tôi không có gì để mất và không sợ mất gì, chỉ sợ mất đất nước này thôi” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vừa dứt lời, cả hội trường giòn tan tiếng vỗ tay.

"Địa phương chạy chọt thế nào tôi biết hết"

. Đại biểu Đặng Văn Khoa (Ủy ban MTTQ TP.HCM): Chủ trương đầu tư công ở địa phương và trung ương được kiểm soát như thế nào, Bộ KH&ĐT góp phần trong việc kiểm soát này ra sao?

+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc kiểm soát đầu tư công hết sức cần thiết. Một trong những nguyên nhân góp phần vào lạm phát là do chi đầu tư công nhiều quá mức. Nhưng điều quan trọng hơn không phải đầu tư nhiều mà cái chính là hiệu quả đầu tư công thấp do có nhiều cơ chế chưa chặt chẽ. Nhất là năm 2005, bùng phát vấn đề phân cấp cho địa phương.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh: “Chúng ta phân cấp cho các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết đầu tư cơ bản tất cả các dự án, trừ nhóm trên 35.000 tỉ đồng phải trình QH, còn lại là ký tuốt, quyết tất. Nhưng các vị ấy lại không thể biết mình có bao nhiêu tiền”. Ảnh: H.LONG

Tại sao tôi lại đổi mới quyết liệt trong đầu tư công như vậy? Là vì tôi quá hiểu cơ chế này. Tôi có 20 năm làm thường vụ tỉnh ủy và 12 năm làm bí thư, chủ tịch và làm chủ nhiệm ủy ban kế hoạch đến tám năm. Rất lâu trong lĩnh vực kinh tế, rất lâu ở địa phương nên tôi hiểu cơ chế trung ương phân bổ thế nào rồi việc địa phương chạy chọt thế nào, tôi biết hết. Nhưng khi lên làm bộ trưởng tôi thấy lạ là mình chẳng biết gì cả, thậm chí cũng không biết mình có bao nhiêu tiền.

Không biết mình có bao nhiêu tiền vẫn được ký

. Ông Đặng Văn Khoa: Là cơ quan quản lý về đầu tư công nhưng vì sao bộ trưởng lại nói bản thân bộ trưởng “không biết gì cả”?

+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chúng ta phân cấp quá mạnh cho địa phương. Cơ chế của chúng ta là để cho những người không biết mình có bao nhiêu tiền được quyết định đầu tư, đấy là sai. Chúng ta phân cấp cho các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết đầu tư cơ bản tất cả các nhóm, kể cả nhóm A, trừ nhóm trên 35.000 tỉ đồng phải trình QH, còn lại là ký tuốt, quyết tất. Nhưng các vị ấy lại không thể biết mình có bao nhiêu tiền. Bởi vì một công trình thường kéo dài, công trình nhóm C thì 3-4 năm mới xong, nhóm B 5-6 năm, còn nhóm A thì 7-10 năm mới xong. Hôm nay cứ ký quyết định đó nhưng ngày mai có bao nhiêu tiền không ai biết đâu, cứ ký thì làm, làm rồi chạy dần, rồi xin cho có. Thế thì chết rồi, làm sao hiệu quả. Một ông bố có 10 đứa con, tiền ít mà đều làm nhà lá cho cả 10 đứa thì chẳng đứa nào xây được cái móng.

Còn ở trung ương, hằng năm đến tháng 6, tháng 7 tôi cũng chẳng biết tôi có bao nhiêu tiền. Bởi vì ngân sách dành cho chi thường xuyên thôi cũng không đủ. Không có một đồng nào tích lũy cho đầu tư phát triển mà toàn vốn vay hết. Thậm chí chúng ta lấy bội chi để ăn chứ không phải để đầu tư. Vì vậy đến phút cuối cùng, QH duyệt chúng tôi mới biết.

Do đó, ngay từ những ngày đầu mới lên làm bộ trưởng tôi đã cho xây dựng một chỉ thị thay đổi toàn diện vấn đề đầu tư, bởi nếu tiếp tục thế này đất nước sẽ vỡ nợ. Đến ngày 15-10-2011, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 1792, thay đổi cục diện trong xây dựng cơ bản. Chỉ thị nêu rõ: Không cho phép chủ tịch, bộ trưởng nào ký, phê duyệt dự án mà không biết mình có bao nhiêu tiền hoặc không đảm bảo đủ tiền và phải chịu trách nhiệm nếu làm sai. Chỉ thị này tôi làm rất nhanh và cũng nhận không ít ý kiến trái chiều ngay trong bộ. Vì vậy mà có vụ trưởng nói với tôi: “Bộ trưởng ơi, bộ trưởng làm vậy là lấy đá ghè chân mình”.

"Tôi không sợ mất gì"

. Viện sĩ-TSKH Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam): Qua ý kiến bộ trưởng trả lời tôi rất ngạc nhiên. Quy chế đầu tư xây dựng và Luật Đầu tư đều quy định muốn làm một công trình phải ghi rõ tổng mức đầu tư và phân bổ vốn từng năm cụ thể, cớ làm sao chủ tịch tỉnh lại không biết mình có bao nhiêu tiền?

+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hiện nay chỉ có13/63 tỉnh, TP có thu ngân sách nhiều hơn chi và có điều tiết nộp về trung ương và được để lại để tự chi tiêu. Còn các tỉnh khác do trung ương hỗ trợ về. Như vậy chỉ có những tỉnh có nhiều tiền thì mới có vốn để đầu tư, còn 50 “ông” còn lại chi thường xuyên còn không đủ nên đầu tư phải do trung ương đổ về.

Những năm vừa qua, trung ương rót rất nhiều và họ đề xuất rất nhiều theo yêu cầu của họ. họ chỉ ghi một câu là “tổng mức đầu tư chừng này tiền, thời gian thi công và kết thúc thế này, nguồn vốn: Ngân sách trung ương”. Vậy nên Thủ tướng hay nói là: “Chủ tịch tỉnh quyết định còn giao cho Thủ tướng chạy theo bố trí vốn” là đúng. Chỉ thị 1792 ra đời khắc phục tình trạng này, có chế tài cụ thể thì phần nợ của ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương từ 106.000 tỉ đồng đến nay chỉ còn 43.000 tỉ đồng và trong năm 2014 yêu cầu địa phương trả nợ chỉ còn 28.000 tỉ đồng. Đấy là một thành công rất lớn.

. Ông Đặng Văn Khoa: Khi nào chúng ta mới thực hiện giao kế hoạch theo trung hạn chứ không phải hằng năm?

+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong Chỉ thị 1792 có cả việc giao kế hoạch từ hằng năm sang trung hạn ngay lập tức. Nếu giao hằng năm thì năm nay biết, năm sau lại chạy tiếp, cứ như thế “ông” nào cũng chạy, đẻ ra cơ chế xin-cho mà tiền thì ít nên “ông”  nào chẳng muốn chạy để mình xong trước. Còn trung hạn chúng ta biết mình có bao nhiêu tiền để làm cả giai đoạn đó rồi thống kê ra.

Ngay từ năm 2011, khi tôi lên làm bộ trưởng đã đề xuất thực hiện việc này và từ đó đến nay không có địa phương nào đến bộ để xin-cho. Nếu Luật Đầu tư công được thông qua nữa thì sẽ công khai, minh bạch hơn. Đất nước này cần minh bạch và không được tham nhũng vì đấy là những thứ làm đất nước chết nhanh chóng nhất. Việc này đụng chạm rất nhiều người, mất rất nhiều thứ quyền hạn. Nhưng phải làm, nếu QH có bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi thì tôi cũng vui vẻ vì tôi không có gì để mất và không sợ mất gì, chỉ sợ mất đất nước này thôi!

THU HẰNG

Không thể công nghiệp hóa bằng mọi giá

. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc: Bộ trưởng có thể cho biết bao giờ nước ta trở thành nước công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH)?

+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi rất ủng hộ đất nước trở thành nước CNH, HĐH nhưng câu hỏi này hơi quá sức, tôi không đủ thẩm quyền để trả lời. Nhưng tôi xin chia sẻ vài ý khi tôi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vừa qua.

Tôi nêu ý kiến cá nhân rất thẳng thắn rằng đất nước tôi đang phát triển công nghiệp là rất cần thiết và chúng tôi có nghị quyết là phải trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Với tư duy cá nhân tôi, CNH là không thể không làm và rất cần thiết nhưng không phải CNH bằng mọi giá và chỗ nào cũng làm. Đồng bằng sông Cửu long có lợi thế về nông nghiệp, liệu chúng ta có hy sinh những cánh đồng màu mỡ để san lấp làm nhà máy mà chưa chắc hiệu quả bằng nông nghiệp? Việt Nam có nhiều lợi thế về nông nghiệp. Minh chứng là trong ba năm qua, khi nền kinh tế nghiêng ngả thì nông nghiệp là trụ đỡ, gánh cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam ổn định đến nay. Nông nghiệp cũng là nơi duy nhất thực sự xuất siêu và nuôi sống toàn bộ 65% dân cư sống trong đô thị, cũng là nơi trở về của rất nhiều người khi doanh nghiệp giải thể. Nhờ vậy mà Việt Nam không thất nghiệp nhiều như những nước ở EU.

Tôi nghĩ bên cạnh CNH cần quan tâm song song đến nông nghiệp. Người dân Việt Nam bây giờ suy nghĩ khác rồi, họ không còn hoan nghênh khi có các KCN ở cạnh làng họ để xả ra chất thải, khói bụi bay lên trời rồi ô nhiễm môi trường. Họ đang muốn có một môi trường nông nghiệp trong lành, năng suất cao. Người dân thích sống trong một môi trường trong lành dù thu nhập có ít hơn một chút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm