Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ sớm hồi sinh

(PLO)- Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, dự kiến trong năm 2023, dự án đạt tỉ lệ 100% theo kế hoạch vốn đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ sớm hồi sinh

“Chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo, phải linh hoạt thi công ban đêm, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào khánh thành dịp 30-4-2025”. Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi giám sát thực tế dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vào sáng 13-6.

Dự kiến giải ngân 100% kế hoạch vốn trong năm 2023

Theo báo cáo của chủ đầu tư, sau hơn ba tháng khởi công, đến nay dự án đã giải ngân được 203,844 tỉ đồng/1.650 tỉ đồng, đạt 12,35%. Dự kiến trong năm 2023, dự án đạt tỉ lệ 100% theo kế hoạch vốn đã đề ra.

Đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, thông tin hiện nay 9/10 gói thầu xây lắp đang được các nhà thầu triển khai thi công thử cọc bê tông cốt thép, đóng cừ.

Riêng gói thầu thứ 10 qua hai quận là 12 và Gò Vấp đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Trong đó, quận 12 hiện có 123 hộ và quận Gò Vấp có 43 hộ.

Ngoài ra, ở một số vị trí đã được giải tỏa, bàn giao mặt bằng nhưng cũng có trường hợp tái chiếm. Cụ thể, có 54 vị trí rải đều ở các quận Bình Tân, Tân Phú, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, Khu công nghiệp Tân Tạo. Ngoài ra, một số vị trí bờ kênh còn bị đổ rác công nghiệp, rác sinh hoạt gây ô nhiễm, cản trở việc thi công.

Theo ông Tân, hiện nay dự án đang triển khai thực hiện đúng theo kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Theo đó, bờ kênh khu vực tiếp giáp với bãi rác Gò Cát bị co hẹp còn khoảng

10 m, ranh giải phóng mặt bằng thực hiện ở giai đoạn 1 của dự án được UBND TP giao đến phạm vi bức tường hiện hữu của bãi rác.

Khu vực này đang xuống cấp và rất dễ xảy ra sụp đổ trong quá trình thực hiện dự án. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đã có công văn kiến nghị Sở TN&MT xin giao đất bổ sung mở rộng đường giao thông khu vực tiếp giáp với bãi rác.

Ông Tân kiến nghị UBND TP cho phép tháo gỡ bức tường rào tại bãi rác Gò Cát để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công các hạng mục của dự án tại khu vực tiếp giáp bãi rác Gò Cát.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác kiểm tra dự án. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác kiểm tra dự án. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phấn đấu hoàn thành vào 30-4-2025

Tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết qua buổi khảo sát có thể thấy được sự nỗ lực của các đơn vị trực tiếp lẫn gián tiếp, sự nỗ lực quyết tâm của từng người lao động trên công trường.

Theo ông, dự án này không chỉ là công trình chống ngập, chống ô nhiễm môi trường mà còn mang ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội TP, tăng cường năng lực giao thông cho tuyến bắc - nam TP và có tính kết nối liên vùng.

“Công trình có ảnh hưởng rất quan trọng, nâng cao chất lượng sống của người dân TP, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, giao thông của TP. Vì vậy, dự án rất được sự ủng hộ và mong chờ của nhân dân TP suốt 20 năm qua. Nói điều này cho thấy chúng ta hiểu trách nhiệm của mình để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân” - ông Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy chỉ đạo những vướng mắc, khó khăn cần phải được xử lý theo quy tắc, phải ghi toàn bộ công việc một cách chi tiết về thời gian, tiến độ để qua đó giúp cho việc kiểm tra, giám sát và truy trách nhiệm với từng cá nhân, đơn vị.

“Các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, vận động người dân chia sẻ, đồng hành. Đặc biệt, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân” - ông Nên lưu ý.

Liên quan đến vấn đề tái lấn chiếm các mặt bằng, ông Nên yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, vận động không để diễn ra tình trạng trên. Ông Nên nhấn mạnh quan trọng nhất là việc đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra bất cứ vấn đề tiêu cực, tham nhũng qua việc phát huy vai trò giám sát của các mặt trận, đoàn thể.

Cùng với đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để vận động người dân và doanh nghiệp có những công trình ảnh hưởng nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, UBND quận Gò Vấp, quận 12 phối hợp với Sở TN&MT trong việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư với khu vực chưa thực hiện.

Các đơn vị cố gắng hoàn thành sớm đúng tiến độ toàn dự án. Về phía chủ đầu tư phải tăng cường quản lý, giám sát hằng ngày, hằng tuần tùy theo công việc đồng thời đảm bảo an toàn lao động.

Để dự án “về đích” đúng hạn, ông Nên chỉ đạo chủ đầu tư phải yêu cầu các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, nhân lực để triển khai dự án theo lộ trình đã đề ra. Thậm chí phải linh hoạt thi công ban đêm, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án, kịp khánh thành dịp 30-4-2025.•

Dự án có tổng mức đầu tư gần 8.200 tỉ đồng

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) đi qua bảy quận, huyện của TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư gần 8.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỉ đồng, vốn ngân sách TP là 4.200 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm