Khả năng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) sẽ có cuộc họp tham vấn kín về tình hình Myanmar, hãng tin AP dẫn thông tin từ một số nhà ngoại giao LHQ ngày 28-3. Đặc phái viên LHQ về nhân quyền Myanmar Tom Andrews từ ngày 26-3 đã kêu gọi LHQ họp khẩn.
Quang cảnh biểu tình ở TP Yangon (Myanmar) ngày 28-3 sau khi
114 người biểu tình bị giết chết trong ngày 27-3. Ảnh: AP
HĐBA đã có tuyên bố lên án tình hình bạo lực và kêu gọi khôi phục dân chủ ở Myanmar nhưng vẫn chưa cân nhắc trừng phạt. Trở ngại lớn nhất là hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết: Nga và Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc nói không can thiệp chuyện nội bộ Myanmar thì mới đây Nga vừa lên tiếng ủng hộ quân đội Myanmar. Đặc phái viên Andrews nói nếu HĐBA không thể làm gì ông sẽ kêu gọi một cuộc họp khẩn thượng đỉnh quốc tế.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói ông sốc với việc 114 dân thường Myanmar, trong đó có cả trẻ em bị giết trong ngày 27-3. Bộ trưởng quốc phòng của 12 nước (Mỹ, Anh, Đức, Ý, Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Canada, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật) cùng ra tuyên bố lên án tình trạng bạo lực ở Myanmar.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng mạnh trước “sự tàn bạo” ở Myanmar và cho biết Mỹ đang cân nhắc trừng phạt. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên án rằng sự việc cho thấy quân đội Myanmar sẵn sàng hy sinh mạng sống người dân phục vụ lợi ích số ít.
Theo thống kê từ tổ chức Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (Myanmar), tính đến lúc này đã có hơn 420 người chết trong gần hai tháng biểu tình phản đối chính biến. Bên cạnh bất ổn biểu tình, Myanmar còn đang đứng trước nguy cơ nội chiến khi đã có nhóm vũ trang thiểu số tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu chính quyền quân sự còn giết người biểu tình.