Sáng 16-5, blogger nổi tiếng Khải Đơn đã có cuộc giao lưu với bạn đọc trẻ về quyển sách đầu tay Đừng tháo xuống nụ cười. Cô vốn nổi tiếng với những bài viết sắc sảo, cá tính mang tính phê phán trực diện về các vấn đề xã hội với nhiều lý lẽ thuyết phục. Khải Đơn bộc bạch: “Tôi viết về một tuổi trẻ nhiều mất mát, trống rỗng, xám xịt của mình khiến tôi muốn khóc. Tôi viết để nhắn nhủ với những người làm tổn thương tuổi trẻ của tôi, của nhiều người trẻ xung quanh tôi”.
Đừng đi kiểu… leo núi Bà Đen rồi kêu người cứu
. Phóng viên: Chị muốn gửi gắm gì đến các bạn trẻ khi đọc quyển sách Đừng tháo xuống nụ cười?
+ Tác giả Khải Đơn: Tôi đã gặp những người lớn mà cả đời họ chưa từng đi đâu ra khỏi cái huyện của mình nên họ rất sợ hãi những gì xảy ra bên ngoài, luôn sợ hãi khi cần phải lên tiếng để bảo vệ mình. Nhưng thế hệ của chúng ta hôm nay rất khác với thời của cha mẹ mình rồi. Các bạn hãy đi, dám đi ra ngoài để biết nhiều điều hơn về bản thân mình, về thế giới xung quanh, để không còn sợ hãi nhiều điều xảy ra xung quanh mình nữa. Khi 19 tuổi, tôi đã từng tạm bỏ học, đạp xe đạp từ nhà tôi ở TP Biên Hòa ra Bắc để trải nghiệm, để tìm kiếm, trả lời những câu hỏi của mình.
. Nhưng đâu phải bạn trẻ nào cũng có được sự ủng hộ, chia sẻ từ gia đình như chị và có đủ điều kiện để đi du lịch, trải nghiệm như chị nói?
+ Có nhiều bạn trẻ đã hỏi tôi là tiền đâu mà đi, rồi cha mẹ không cho đi làm sao mà đi. Tôi nghĩ cơ bản là mình có muốn đi hay không mà thôi, mình có thật sự tôn trọng ước muốn của mình để thực hiện hay không. Không có nhiều tiền thì mình đi xe buýt, không đi xa được thì mình đi gần. Còn muốn cha mẹ tin tưởng vào mình thì phải thuyết phục được là mình có khả năng làm được và làm đúng. Khi tôi xin đạp xe đạp ra Bắc, mẹ tôi nói ngay tiền đâu mà đi. Thế là tôi đi dạy kèm Anh văn suốt một năm ròng để dành tiền đi. Đến khi đủ tiền tôi lại nói: “Mẹ, con có đủ tiền rồi!”. Mẹ tôi lại sợ tôi đi như thế không an toàn. Nhưng rồi mẹ tôi lại bảo rằng con cứ làm gì mà con thấy hạnh phúc là được, đi đâu thì đi mà phải trở về là được. Vậy là tôi đi và quan trọng nhất là trở về an toàn. Khi báo Tuổi Trẻ cử tôi sang Nhật viết về động đất, lãnh đạo mời tôi vào phòng riêng hỏi rằng có đồng ý đi không vì rất nhiều chuyện nguy hiểm có thể xảy ra và yêu cầu tôi phải có sự đồng ý của gia đình nếu đi. Báo còn gọi về gia đình nói chuyện với mẹ tôi xem có đồng ý cho tôi đi không. Mẹ tôi đồng ý cho tôi tự quyết định. Chuyện sống chết không phải chuyện đùa nhưng tôi đã quyết định đi và quyết phải trở về an toàn. Có nhiều bạn trẻ khác cũng thuyết phục cha mẹ mình bằng cách lẳng lặng chứng minh sự trở về an toàn của mình. Đi thì đi, không xin gì cả, khi trở về an toàn mới nói với cha mẹ là con mới đi Lào, đi Campuchia… về nè, có sao đâu. Vậy là lần sau các bạn đó đi đâu gia đình không cản, không la nữa. Chứ các bạn đi theo kiểu leo núi Bà Đen rồi bị lạc, phải kêu gọi cứu giúp, để người nhà phải thấy mặt mình trên báo mà lo lắng thì nói làm gì.
Tác giả Khải Đơn nhìn bề ngoài khác với giọng văn mà nhiều người hình dung đó là một người đàn ông trung niên.
Bị coi là khùng vẫn cứ viết
. Chị nhận mình là người bi quan là do sự thiếu sót của bản thân hay do xung quanh có quá nhiều những vấn đề của người trẻ?
+ Bi quan ở tôi là tính cách. Tôi không hay nhìn vấn đề ở hướng giải quyết tích cực như có ai đó đã nhận xét về tôi. Hồi còn sinh viên, tôi đi làm tình nguyện viên trong một trại cai nghiện. Đa số bạn cùng đi chọn làm những việc theo tôi là ít hiệu quả nhưng lại có được những bức ảnh chụp đẹp. Thế là tôi bất hòa, xung đột với nhiều người. Nhưng trong đội của tôi có một anh tôi cho là người tích cực. Anh ta không bất hòa mà đề ra một hành động khác, lập một tổ khác có hoạt động thiết thực hơn. Tôi tham gia tổ của anh ta và thấy rằng anh này là người tạo ra hành động, còn mình không là người tạo ra được hành động mà chỉ làm theo. Nói chung, tôi bất hòa với nhiều thứ và chỉ có cách viết nó ra.
. Có nhiều bài viết của chị trong quyển sách dễ thuyết phục người đọc vì nó đưa ra những giải pháp hoặc những cách nhìn, cách nghĩ xác đáng. Chị nghĩ gì khi nói rằng cũng có những bài viết chị có vẻ vô trách nhiệm khi quăng ra một đống những vấn đề lộn xộn theo chủ quan cách sống, cá tính của chị mà chẳng hướng đến giải pháp hay cách nhìn, cách nghĩ nào cả?
+ Có những cái tôi viết xuất phát từ cá tính, chủ quan của mình. Nhưng mà như thế này, dù đúng hay sai, dù thuyết phục hay không thuyết phục, dù là nói chuyện cá nhân hay nói chuyện xã hội, có rất nhiều lần tôi bị bạn bè hoặc người thân nói với tôi rằng mày khùng quá, điên quá, viết những chuyện đó, nói những chuyện đó làm chi, sẽ không hay ho gì cho mình đâu. Cảm giác những khi đó rất đơn độc. Tôi muốn viết ra cho những người giống như tôi, dám sống, dám nói. Tôi không muốn họ phải sợ hãi và cảm thấy đơn độc như tôi.
. Xin cám ơn chị.
Nổi tiếng từ lâu trên mạng xã hội Khải Đơn tên thật là Phạm Lan Phương, sinh năm 1987 tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Phương học chuyên ngành báo chí tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. 19 tuổi, cô tạm ngưng ĐH, cùng một người bạn chở theo nồi niêu sau xe đạp đạp từ Nam ra Bắc. Chuyến đi này đã được báo Tuổi Trẻ phát hiện và giới thiệu nên nhiều người biết đến Phương. Từ nhỏ Phương đã viết lách, cộng tác với những tờ báo học trò như Áo Trắng. Khi mạng xã hội là blog Yahoo 360 độ xuất hiện, với cái tên Khải Đơn, Lan Phương gây được chú ý trong cộng đồng mạng qua nhiều bài viết sắc sảo, ấn tượng về các vấn đề xã hội như chuyện con gái miền Tây lấy chồng Đài Loan bị cho là tham tiền… Vậy nên ngay khi học ĐH Phương đã được báo Sài Gòn Tiếp Thị mời cộng tác. Sau khi ra trường, Lan Phương tiếp tục cộng tác và trở thành PV của các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên rồi Tập đoàn Yahoo. Hiện Lan Phương đang là nhân viên cho một công ty truyền thông - quảng cáo và vẫn rất nổi tiếng trên Facebook với nhiều bài viết gây chú ý về chuyện xã hội với góc nhìn cá tính, thẳng thắn. Sau quyển sách đầu tay tập hợp một số bài viết trên mạng xã hội của cô về các vấn đề của tuổi trẻ và một số bài viết mới, Lan Phương đang có dự định viết một số quyển sách về những người trẻ tuổi tài giỏi, những người phụ nữ bị chồng đánh, những đứa trẻ bị hiếp dâm… |