Tối 23-6, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thông tin về một số nội dung liên quan đến vụ việc “cọc ghi tiếng Trung Quốc” ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
Bộ đội Biên phòng đã thu giữ cọc ghi chữ Trung Quốc ở bán đảo Đầm Môn. Ảnh: QT. |
Theo thông cáo, vào lúc 7 giờ 45 phút ngày 23-6, tài khoản Mai Thanh Hải trên mạng xã hội Facebook đăng tải bài viết có nội dung về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới của lực lượng Biên phòng khu vực bán đảo Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Bài viết thu hút hàng trăm lượt like, chia sẻ và bình luận.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn trương phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan điều tra làm rõ thông tin đăng tải trên mạng xã hội nói trên.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử đội trinh sát ra Đầm Môn, huyện Vạn Ninh, kiểm tra, xác minh thông tin.
Kết quả ghi nhận bước đầu cho thấy cách đây mấy năm, ông Nguyễn Văn Thanh (62 tuổi, ngụ xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) nhặt được một cọc nhựa có ghi chữ Trung Quốc từ bãi Cỏ Ống, nằm trên đoạn đường rừng di chuyển ra bãi Rạng, xã Vạn Thạnh.
Cọc nhựa trôi dạt vào Đầm Môn là cọc mốc bình thường, không phải cọc mốc chủ quyền. Ảnh: QT. |
Sau khi nhặt được, ông Thanh mang về chòi canh đất của gia đình vứt chỏng chơ, chứ không đóng làm cọc cột trâu bò. Cọc nhựa này trôi dạt vào từ bờ biển, chỉ là cọc mốc bình thường, không phải là cọc ghi mốc chủ quyền như mạng xã hội lan truyền.
Lực lượng Biên phòng đã lập biên bản, thu giữ cọc nhựa nói trên để tìm hiểu, xác minh thêm. Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa sẽ cử thêm lực lượng rà soát, kiểm tra các khu vực lân cận; đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở để người dân kịp thời báo cho chính quyền hoặc lực lượng Biên phòng nếu phát hiện vật thể lạ tương tự.
Ông Nguyễn Văn Thanh (62 tuổi) là người nhặt cọc nhựa có chữ Trung Quốc ở bán đảo Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
Ông Thanh cho biết chỉ nhặt duy nhất một cây cọc từ nhiều năm trước. Cây cọc bằng nhựa cứng hình thù như cái cọc tiêu dài khoảng 40 cm. Bốn mặt và trên đỉnh cọc có khắc chữ Trung Quốc, tuy nhiên ông Thanh không biết nội dung.
Ông Thanh kể gần đây một du khách đến khu vực bán đảo Đầm Môn để chụp hình thì thấy cây cọc trên. Ông Thanh cho rằng thông tin người này đăng trên Facebook Mai Thanh Hải là chưa đúng sự thật.
Người dân này cho biết cây cọc ông nhặt về được dùng để đập đá lạnh, để trên nắp thùng đá nên du khách thấy và chụp hình lại.
“Tôi chỉ nhặt duy nhất cây cọc này đã nhiều năm. Gia đình dùng để đập đá lạnh. Việc bộ đội Biên phòng đến quán tôi nhậu như người đó đăng bài cũng không đúng”, ông Thanh trình bày.