Ngày 3-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo TAND tỉnh Khánh Hòa cho hay hiện tòa này đang tồn đọng nhiều vụ kiện hành chính, chưa thể giải quyết.
Không chỉ án hành chính mà nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền của chủ tịch tỉnh cũng bị ách tắc do chưa có chủ tịch UBND tỉnh.
Án chờ; bầu chủ tịch thị xã nhưng không ai phê chuẩn
Theo vị lãnh đạo TAND tỉnh Khánh Hòa, đến cuối năm 2019, tòa này còn tồn hơn 40 vụ kiện hành chính, trong đó có nhiều vụ người dân kiện quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND tỉnh.
“Nhiều vụ đã thụ lý, trước đây chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho phó chủ tịch UBND tỉnh nhưng người được ủy quyền đã bị cách chức nên phải chờ ủy quyền lại. Một số vụ người dân kiện quyết định của chủ tịch UBND tỉnh, mới thụ lý nhưng chưa có chủ tịch UBND tỉnh cũng phải dừng lại” - vị này nói.
Lãnh đạo tòa cũng thừa nhận tình trạng này khiến quá trình giải quyết các vụ án hành chính vi phạm về thời hạn theo luật định. “Tòa cũng biết vậy nhưng không thể giải quyết vì lý do bất khả kháng” - vị lãnh đạo tòa nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Phó Bí thư Thị ủy Ninh Hòa, xác nhận đến nay ông vẫn chưa được phê chuẩn chức chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa.
Ông Thạnh được HĐND thị xã Ninh Hòa bầu giữ chức chủ tịch UBND thị xã hôm 18-12-2019. Tuy nhiên, do chưa có chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn nên đến nay ông chưa thể chỉ đạo, điều hành công việc của UBND thị xã. Trong khi đó, chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã nghỉ hưu theo chế độ hơn bốn tháng nay.
Do chủ tịch UBND thị xã được bầu chưa được phê chuẩn nên hiện nay công việc chỉ đạo, điều hành do một nữ quyền chủ tịch UBND thị xã đảm nhiệm.
Một phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận hiện có rất nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền chủ tịch UBND tỉnh bị tồn đọng, không thể giải quyết, xử lý do không có chủ tịch UBND tỉnh.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bộ máy chính quyền tỉnh Khánh Hòa bị thiếu người đứng đầu” - vị lãnh đạo tỉnh nói.
Cử tri, đại biểu Khánh Hòa chất vấn nhiều vấn đề nhưng không có chủ tịch UBND tỉnh để giải trình. Ảnh: TL
Chỉ có một phó chủ tịch tỉnh điều hành
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, các đại biểu chất vấn, nêu ra rất nhiều vấn đề, vụ việc tồn tại ở tỉnh này mà cử tri bức xúc. Trong đó, rất nhiều vấn đề, vụ việc thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận những vấn đề các đại biểu, cử tri nêu là rất xác đáng, bức xúc nhưng chưa được giải quyết.
Theo ông Tài, một trong những lý do của tình trạng trên là bộ máy UBND tỉnh thiếu người chỉ đạo, điều hành.
“Sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ còn mình tôi là phó chủ tịch điều hành toàn bộ công việc. Trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt như vậy, dù hết sức cố gắng, tập trung tinh thần cao nhất, một lãnh đạo không thể xử lý hết công việc. Chắc chắn sẽ có một số công việc chậm hoặc chưa triệt để như mong muốn của các đại biểu, cử tri toàn tỉnh” - ông Tài chia sẻ.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa mới chính thức có thêm một phó chủ tịch sau khi được Thủ tướng phê chuẩn.
Giữa tháng 12-2019, Thủ tướng cách chức chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021, xóa tư cách phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Lê Đức Vinh. Thủ tướng cũng cách chức phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đào Công Thiên; xóa tư cách chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Chiến Thắng... |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Tài, sau khi một số lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật cách chức, việc điều hành của tỉnh lâm vào tình trạng rất khó khăn.
“Còn vấn đề nữa tôi cũng báo cáo thật, đó là tinh thần làm việc của các cán bộ, công chức, sở, ngành, các cơ quan xuống rất thấp. Hiện đã nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ trách nhiệm” - ông Tài nhìn nhận.
Theo phó chủ tịch UBND tỉnh, từ lo sợ trách nhiệm, một số cán bộ không dám làm, không dám đề xuất xử lý các vấn đề đang vướng mắc. “Khi có vướng mắc cần tháo gỡ thì anh em sợ, không dám làm. Ngoài ra, lề lối làm việc của một số cơ quan đang trong quá trình rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, chất lượng công việc. Tỉnh đang trải qua thời kỳ rất khó khăn” - phó chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa nói: Hiện bộ máy UBND tỉnh đang khuyết một số chức danh chủ chốt, ảnh hưởng lớn đến hoạt động lãnh đạo, điều hành, triển khai các chủ trương…
Do bộ máy chính quyền tỉnh còn thiếu nên chưa thể phân công, phân nhiệm để giải quyết công việc trên các lĩnh vực. “Hiện tỉnh đang thực hiện quy trình kiện toàn các chức danh lãnh đạo nên khó hoàn thành các công việc một cách nhanh, dứt điểm” - vị lãnh đạo Tỉnh ủy nói.
Chủ tịch UBND tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn 1. Lãnh đạo, điều hành công việc của UBND, thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. 2. Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp huyện; điều động, đình chỉ công tác, cách chức chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp huyện... 3. Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HĐND và UBND tỉnh... 4. Chỉ đạo công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương. 5. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và văn bản trái pháp luật của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện... 6. Tổ chức việc phối hợp với cơ quan nhà nước cấp trên đóng tại địa bàn tỉnh. 7. Chỉ đạo chủ tịch UBND cấp huyện; ủy quyền cho phó chủ tịch UBND tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh. 8. Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, các phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. 9. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự... trên địa bàn. 10. Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật... 11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước ở trung ương phân cấp, ủy quyền. (Theo Luật số 77/2015/QH13 ngày 19-6-2015) |