Trước khi tiến hành buổi lễ, các đại biểu đã dâng hương Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược; dâng hoa, dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ảnh: LONG HỒ
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và những người có công lớn với vùng đất này trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ. Đây cũng là nơi để thế hệ mai sau luôn nhớ mãi, tri ân và tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạnh, về mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiên trung, anh hùng, bất khuất.
Theo ông Phong, việc xây dựng và khánh thành Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là lời tri ân sâu sắc và báo cáo Bác Hồ kính yêu, các anh hùng liệt sĩ về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP.HCM.
Người đứng đầu chính quyền TP kêu gọi mọi người dân thành phố, dù ở đâu, thuộc giai tầng nào cũng hãy cùng đoàn kết keo sơn chung tay bảo vệ và xây dựng TP theo mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ TP đã đề ra.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM đề nghị các cấp ủy trong toàn Đảng bộ TP, đặc biệt là Thành đoàn tích cực triển khai nhiều hoạt động để đảng viên, đoàn viên thanh niên, các tầng lớp nhân dân TP tham quan, tìm hiểu tại khu truyền thống nhằm hun đúc truyền thống cách mạng, vun bồi lý tưởng cao đẹp về sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ và cảm nhận sâu sắc về hòa bình, độc lập, thống nhất và cuộc sống bình yên hôm nay, để tự dặn mình rèn luyện đạo đức cách mạng, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. “Mỗi cán bộ đảng viên, nhất là những đồng chí đứng đầu các đơn vị của TP cần luôn tự soi rọi, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng phấn đấu để xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân; tạo thêm động lực chính trị để toàn Đảng bộ và nhân dân TP tiếp tục phấn đấu “đi trước, về trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, xứng đáng TP mang tên Bác Hồ kính yêu - TP Anh hùng” - ông Hải nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ, cũng bày tỏ niềm hãnh diện và tự hào vì Đảng bộ TP đã xây dựng Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, có ý nghĩa lớn về lịch sử, chính trị, văn hóa, thông tin, có giá trị cao về nghệ thuật, kiến trúc và mang giá trị bền vững, có sức sống, mang dáng dấp và in đậm dấu ấn của TP nghĩa tình.
Ông Khải đánh giá khu truyền thống này là bức tranh toàn cảnh thu nhỏ con đường đấu tranh cách mạng gian khổ của Đảng bộ và nhân dân TP trong nhiều chặng đường lịch sử, sẽ để lại cho người xem lòng kiêu hãnh lớn mà chúng ta thấy rõ lịch sử của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nơi bao cán bộ, đảng viên trung kiên, những người con trung hiếu mẫu mực của nhân dân đã chiến đấu quên mình.
Dịp này, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Chủ tịch nước tặng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gửi thư khen cán bộ, nhân viên Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được khởi công xây dựng từ năm 2010 nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Đây chính là nơi các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà, Tô Ký, Mai Chí Thọ và nhiều đồng chí lão thành cách mạng đã bám trụ, hoạt động, chiến đấu và đây cũng là nơi lãnh đạo, chỉ huy phong trong cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Dự án có tổng diện tích 13,5 ha gồm các hạng mục: Khu đền thờ các đồng chí Đảng, Nhà nước, xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy, Thành ủy, những người có công lớn với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; nhà văn bia; khu hồ sen; khu cảnh quan đặc trưng Đông Nam Bộ; khu cảnh quan đặc trưng Tây Nam Bộ... Địa đạo Củ Chi là một trong những kỳ tích lịch sử độc đáo có một không hai trên thế giới và nơi đây đã xây dựng địa đạo, vành đai diệt Mỹ. Đây chính là hậu phương, là căn cứ của xứ ủy Nam Kỳ. Từ năm 1995 đến nay Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã đón tiếp và phục vụ gần 20 triệu lượt khách trong và người nước. |