Khảo sát nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3

Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, vừa cho biết đơn vị đang xây dựng đề án khảo sát nạn nhân chất độc hóa học thế hệ thứ ba.

Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát để thống kê, tổng hợp số lượng, tình hình nạn nhân thế hệ thứ ba. Trên cơ sở đó, sẽ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về những chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với họ.

"Yêu cầu của đợt khảo sát phải chính xác, lập phiếu, đăng ký, thống kê đầy đủ, chặt chẽ hạn chế tối đa sự sai lệch; chuẩn bị đầy đủ bộ công cụ khảo sát, thống kê khoa học, dễ sử dụng. Các số liệu phải thống nhất từ địa phương đến trung ương, tránh qua loa, hình thức..." - đại diện Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định.

Một gia đình ở Quảng Trị có bốn người con đều bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin. Ảnh: VIẾT LONG

Nội dung khảo sát gồm nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba; điều tra, khảo sát đến từng nhà, từng người theo mẫu; tổng hợp kết quả khảo sát và thống kê tổng hợp các cấp xã/huyện/tỉnh/TP báo cáo về Trung ương Hội.

Dự kiến năm 2018 khảo sát 35 tỉnh, TP gồm TP Hà Nội, TP Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau.

Năm 2019 khảo sát 28 tỉnh/TP gồm TP.HCM, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Băng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP Cần Thơ, Bạc Liêu.

Được biết nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ ba với những di chứng để lại cho họ hết sức nặng nề, đau đớn không kém nạn nhân thế hệ thứ hai (con của những chiến sĩ tham gia kháng chiến vùng Mỹ rải chất độc hóa học). Tuy nhiên, đến nay họ chưa được hưởng chế độ chính sách ưu đãi đối với nạn nhân chất độc da cam.

 

Cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất, gây ra hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Theo số liệu thống kê của các nhà khoa học Hoa Kỳ, trong vòng 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971), quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ, rải khoảng 80 triệu lít chất độc, trong đó có 61% là chất độc da cam/dioxin, là loại hóa chất độc hại nhất, nguy hiểm nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm