Còn hai ngày nữa ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ.
Nhìn lại chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong hai nhiệm kỳ (2008-2016), TS sử học Roland Lombardi(*) kết luận: Dù ông Obama bị chỉ trích nhiều về chính sách đối ngoại nhưng ông đã tránh được điều tệ nhất xảy ra.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria từ tháng 12-2016 có vẻ là bước ngoặt quan trọng trong nội chiến Syria. Thỏa thuận do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ đã không dành vai trò gì cho châu Âu và LHQ.
Mỹ đỡ hơn, dù bị gạt sang một bên (chính Mỹ tự lùi bước trong nhiều tháng trước đó) nhưng dù gì cũng được Nga thông báo đại khái về thỏa thuận ngừng bắn.
Tại Trung Đông và châu Âu, Mỹ dường như giảm dần vị thế. Nhiều ý kiến đánh giá Tổng thống Obama đã “nhát tay” thay vì tiến hành chiến lược chủ động hơn.
Tuy nhiên, theo TS Roland Lombardi, chính sách đối ngoại của ông Obama ít tiêu cực hơn mọi người nghĩ.
Tổng thống Obama chuyển giao quyền lực. Biếm họa của TOM JANSSEN (báo The Netherlands của Hà Lan)
Đầu tiên ông Obama đã tôn trọng hầu hết cam kết trong tranh cử như triệt thoái chiến lược khỏi Trung Đông (do Mỹ độc lập về năng lượng), kết thúc chiến dịch ở Iraq và Afghanistan (có thể hơi sớm).
Obama đã tái cân bằng sự hiện diện quân sự và đầu tư chiến lược của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông để ưu tiên cho châu Á-Thái Bình Dương đồng thời chấm dứt thái độ thù địch đối với các “đối thủ” hay các “kẻ thù” trong quá khứ.
Năm 2015, ông đã ký nhiều hiệp định thương mại quan trọng ở châu Á, nhất là đã đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 nước, trong đó có Việt Nam.
Ông đã bình thường hóa quan hệ với Cuba (năm 2014) và tháng 7-2015 đã ký thỏa thuận Vienna về hạt nhân Iran.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, thành công của ông là tiêu diệt được trùm Bin Laden (tháng 5-2011), Mỹ cũng đã ưu tiên cho công tác tình báo, đặc nhiệm và máy bay không người lái.
Chỉ có Nga là điểm yếu trong chính sách điều chỉnh đối ngoại của Obama. Một thất bại khác là hòa bình ở Trung Đông vốn đã được nói đến trong bài diễn văn lịch sử của Obama tại Cairo vào tháng 6-2009.
Giải Nobel hòa bình 2009 đã bị chê trách không cứng rắn khi chính phủ Syria bị tố cáo sử dụng vũ khí hóa học hồi tháng 8-2013.
Thật ra Obama thích đàm phán với Nga hơn là can thiệp vào Syria mà không kiểm soát được tình hình.
Có ba lý do để giải thích: Ông nghĩ đến thất bại thảm hại trong chiến dịch can thiệp ở Libya, ông ngờ vực Saudi Arabia và báo cáo của Lầu Năm Góc đã cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với quân nổi dậy Syria đã thất bại.
Dù sao chăng nữa, thái độ chần chừ của Obama ít ra cũng tránh được tình hình tệ hơn ở Trung Đông cũng như ở châu Âu (Ukraine).
TS Roland Lombardi nhận định các ý kiến chỉ trích ông Obama đều xuất phát từ những người theo xu hướng hiếu chiến phát biểu mạnh miệng khi bàn chuyện… người khác đổ máu.
………………… (*) TS sử học Roland Lombardi là chuyên gia Viện nghiên cứu thế giới Ả Rập và Hồi giáo thuộc ĐH Aix-Marseille (Pháp) GS Michael Eric Dyson (ĐH Georgetown): Trong cộng đồng gốc Phi tại Mỹ thường có các nhà lãnh đạo bị ám sát, tổng thống mãn nhiệm Barack Obama sẽ tiếp tục là một trong những nhân vật lớn nhất trong lịch sử da đen và lịch sử nước Mỹ. Chuyên gia Pháp Niels Planel: Người Mỹ cảm thấy cuộc sống tốt hơn (theo thăm dò của Viện Gallup). Lương họ đã tăng. 3,5 triệu người thoát nghèo năm 2015, kỷ lục mới từ năm 1968. 15 triệu việc làm được lập trong 75 tháng liên tiếp, kỷ lục từ năm 1939. _____________________________ Tôi nghĩ rằng lịch sử có thể sẽ bảo chúng ta rằng dù gì chăng nữa, Tổng thống Obama đã cưỡng lại các ảnh hưởng xấu và sức ép. Sức ép đến từ nhiều cánh vận động hành lang (như chống Nga, chống Saudi Arabia), một số nhà chiến lược và lãnh đạo CIA và cuối cùng là các nhà tư tưởng trong đảng Dân chủ và chính quyền của ông. TS ROLAND LOMBARDI |