Cậu nhóc Đặng Văn Thắng (12 tuổi) xúm xít theo chân mẹ Tuyền đang cặm cụi khênh từng cục đất to tướng đặt xuống bến. Thắng mới nghỉ học mấy ngày sau tết, khi vừa bước vào học kỳ II lớp 5. Hỏi có phải do hoàn cảnh quá khó khăn mà nghỉ ngang không, cậu bé lắc đầu, nói: “Phải nghỉ để… được gần cha mẹ!”. Chị Tuyền nghe con nói vậy cũng sụt sùi: “Ở quê làm ruộng cực quá, thấy vợ chồng đứa em bán lò đất sống được nên làm theo. Chạy ghe từ An Giang lên Bình Dương đã mất hai ngày, bán hết mấy ông lò (lò ông Táo) cũng gần cả tháng, rồi lại vội vã về quê chở lò lên bán tiếp, bỏ con cù bơ cù bất. Thằng nhỏ thiếu thốn hơi hám cha mẹ nên quyết đòi theo”...
Mẹ con chị Lê Thị Bích Tuyền bên những chiếc lò chưa bán được. Ảnh: HOÀNG LÊ
Cạnh đó, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Vinh (47 tuổi, An Giang) tranh thủ đặt lò trên chiếc xe ba gác làm trước khi tối trời để sớm mai còn kịp lên Đồng Xoài giao hàng. Nói là giao chứ thực ra là đi bán dạo, chạy dọc các chợ trên đường đi chào hàng đại, ai ưng thì mua, bán hết lại về. Hơn 20 năm gắn bó với ghe lò, gia đình anh Vinh đã quen việc tắm giặt, vệ sinh giữa dòng con nước. Nước lớn thì nhảy ùm đại, nước ròng lấy gàu múc lên. Tài sản lớn nhất của họ là chiếc radio đã lên teng gỉ sét, để dành nghe ca cổ những khi tối trời nóng nực. Đứa con gái 16 tuổi của anh đã phải nghỉ học ba năm nay để theo cha mẹ vì không còn ai ở quê để gửi gắm, mà con thì đang tuổi trưởng thành nên không thể ở một mình. Cũng đôi lần anh Vinh nghĩ đến chuyện về mảnh đất quê nghèo cắm dùi nhưng mới bàn một hai câu, vợ anh thẫn thờ hỏi: “Về rồi làm cái gì mà sống?”.
Ở ghe kế bên, anh Đặng Văn Khuynh (42 tuổi, An Giang) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Dây hì hục trét lại đường hở trên thân những ông lò. Sáu năm trước, từ chỗ đi làm mướn, chị Dây bỏ đất liền theo chồng rong ruổi trên những chuyến tàu xuôi ngược mưu sinh. Sinh được ít bữa, chị Dây ẵm con theo ghe lò đất để giúp chồng đỡ vất vả phần nào. Đến nay đã là năm thứ tư bé Ni sống đời lênh đênh sông nước cùng cha mẹ.
Sẩm tối, ông Đặng Thanh Tùng (cha anh Khuynh) ì ạch đẩy xe lò đất đầy xuống mé sông. Cả ngày nay chạy tứ bề nhưng chỉ bán được vài cái. Ông lão thở dài: “Giờ người ta toàn xài bếp gas với bếp điện, vừa tiện lợi lại không khói bụi mịt mù. Bán ông lò chủ yếu cho mấy quán nhậu với mấy người sành ẩm thực, muốn ăn đồ nướng thơm ngon mà chậm lắm chú ơi!”.
Tất cả họ đều nói sẽ theo cái nghề này đến đâu hay đến đó. Chẳng may nếu một ngày mấy ông lò không còn ai đoái hoài, chắc ba gia đình phải bỏ ghe về lại đất liền. Đến lúc ấy, câu hỏi của vợ anh Vinh ngày nào sẽ lại nhói lên: “Về rồi làm cái gì mà sống?!”. Còn hiện tại, những đứa trẻ nơi đây chọn lựa được gần hơi cha mẹ khi lênh đênh sông nước mưu sinh lại là lựa chọn số một, sau chuyện học hành. Biết đến đời chúng có hết lênh đênh?!