Khi quyền lợi của người dân bị xem nhẹ

Theo đó, các tổ chức tín dụng phải thẩm định chặt chẽ các dự án BOT giao thông trước khi cho vay, lựa chọn các dự án thực hiện tốt quy định về đấu thầu, đầu tư và xây dựng,… và không xem xét các dự án nếu thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Đây là động thái cần thiết đối với các chủ đầu tư dự án BOT sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả cho thấy có nhiều vấn đề trong việc đầu tư, thực hiện các dự án BOT giao thông.

Tất nhiên về mặt chủ trương, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải, tăng đầu tư xã hội phát triển các tuyến đường cao tốc, các con đường, cây cầu mới theo nhiều hình thức, trong đó có BOT là cần thiết và đúng đắn.

Không thể phủ nhận các dự án BOT không những tạo thuận tiện cho đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng ý nghĩa của các dự án này chỉ phát huy tối đa một khi nó hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó có nhà đầu tư và người dân.

Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư thì đương nhiên tìm cách để có được lợi nhuận cao nhất. Vì vậy, không loại trừ các nhà đầu tư tìm cách kéo dài thời gian thu phí thông qua việc khai khống tổng vốn đầu tư, gian lận trong tính toán đơn giá, định mức đầu vào, kê thấp số xe thực tế trong phương án tài chính hoàn vốn hoặc khi thu phí 10 đồng nhưng khai chỉ năm…

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước ở dự án cầu Cổ Chiên (Trà Vinh), của Tổng cục Đường bộ về dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… là những minh chứng.

Nhưng đó chỉ là các trường hợp hãn hữu, trong khi dư luận râm ran “dự án nào cũng có”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà từng nói: “Có tuyến đường BOT nhà đầu tư nói một ngày thu 1 tỉ đồng tiền phí nhưng dư luận phản ánh số thu thực tế tới 3-4 tỉ đồng. Mức chênh rất khủng khiếp! Vì vậy, chúng tôi ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được một vài trạm thu phí cũng sẽ thay đổi lớn lắm”.

“Sự thay đổi lớn lắm” là vì các dự án thu phí không chỉ tác động đơn lẻ đến từng người dân, từng doanh nghiệp vận tải đi qua các trạm thu phí. Nó còn tác động đến giá vận tải, làm giá cả hàng hóa, giá dịch vụ tăng theo và tạo sức ép lớn cho xã hội, cho nền kinh tế.

Vì thế việc các cơ quan chuyên ngành vào cuộc bóc mẽ các mánh khóe của nhà đầu tư và kiểm soát chặt chẽ đồng tiền đổ vào đây là rất cần thiết. Điều đó vừa đảm bảo sự minh bạch vừa đảm bảo sự bình đẳng về mặt lợi ích; ngăn ngừa các nhà đầu tư trục lợi và bảo vệ quyền lợi người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới