Quần thể núi Châu Thới ở Bình Dương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Nơi đây có đàn khỉ rừng đuôi xám, mặt đỏ sinh sống chung quanh chùa Châu Thới Sơn và chúng đang bị kẻ xấu săn bắt trộm, đàn khỉ có nguy cơ bị xóa sổ.
Đàn khỉ ở chùa Châu Thới hiện tại còn sót lại không nhiều vì nạn săn bắt trộm. Ảnh: Bùi Trường Trí.
Hòa thượng Thích Huệ Thông, Viện chủ Châu Thới Sơn Tự, cho biết ngọn núi rộng cả trăm héc-ta, cây cối um tùm nên khỉ rừng kéo về sinh sống. "Ban đầu chừng chục con, sau chúng sinh sôi lên tới cả trăm con. Nhưng thời gian gần đây, số lượng đàn tụt giảm, khỉ dần biến mất, đặc biệt là những con trưởng thành”, hòa thượng nói.
Bầy khỉ rừng sống trong môi trường hoang dã nên có con khỉ lạ nào xuất hiện, khỉ đầu đàn sẽ huy động cả bầy tấn công, không cho gia nhập đàn. Vì đặc điểm này mà bọn săn trộm mang khỉ lạ ra lưng chừng núi dụ bầy khỉ lao ra, bất ngờ bủa lưới bắt.
Được du khách cho ăn, đàn khỉ rừng dạnngười. Ảnh: Bùi Trường Trí.
“Bọn trộm còn đóng giả cả nhân viên sở thú, người của khu du lịch Đảo Khỉ Cần Giờ đánh cả xe ôtô lên núi bắt khỉ bán trục lợi. Do là khỉ rừng sống quanh khuôn viên, không phải của nhà chùa nuôi nên chúng tôi không dám phản ứng” - Hòa Thượng Thích Huệ Thông than thở.
Một người bán vé số dạo lâu năm ở chùa Châu Thới cho hay, khỉ trên núi sống gần người nên chúng rất dạn. Vì đặc điểm này mà kẻ trộm dụ chúng cho ăn, dùng súng điện bắn hạ rồi bỏ bao chở đi. "Chúng bắt cả khỉ mẹ đang mang thai, khỉ đang nuôi con. Nhiều khỉ con mất mẹ, la hú suốt ngày, sống lay lắt mấy hôm rồi chết", người này cho biết.
Trước đây, kiểm lâm tỉnh Bình Dương cũng đã có kế hoạch di dời đàn khỉ này về nơi khác đế tránh tình trạng săn bắt bừa bãi nhưng kế hoạch này không khả thi vì đàn khỉ quen với môi trường.
Hiện nhà chùa và người dân trong vùng bảo vệ nhưng đàn khỉ khoảng 40 con còn lại có nguy cơ bị xó sổ nếu các cơ quan chức năng không mạnh tay xử lý những người săn bắt trộm.