Theo bài viết, trong tuần này, các chuyên gia thuộc Văn phòng châu Á của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tại Hà Nội đã công bố với Việt Nam các bản đồ chứng minh tình trạng thiếu nước và biến đổi khí hậu có thể gây nguy hiểm đến các mùa vụ chính trồng lúa, sắn, bắp, cà phê và hạt điều ở Việt Nam.
Chuyên gia Brian Eyler, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson ở Washington D.C., nhận xét: “Mức độ nghiêm trọng của hạn hán năm nay sẽ tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo báo cáo gần đây của LHQ, tính đến giữa tháng 3, gần 1 triệu dân miền Trung và miền Nam Việt Nam không được tiếp cận với nguồn nước uống sạch. Nguồn cung cấp lúa gạo cũng bị đe dọa. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm hư hại tối thiểu 159.000 ha lúa. Trước mùa mưa, ước tính sẽ có 500.000 ha tiếp tục bị đe dọa.
Tạp chí Scienceghi nhận Việt Nam đã phê duyệt 23,3 triệu USD trong quỹ khẩn cấp để hỗ trợ cho các nông dân bị thiệt hại nặng nề, cung cấp bồn chứa nước và các nguồn hỗ trợ quan trọng khác. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được huy động hỗ trợ các tỉnh có các trạm y tế địa phương đang hoạt động khó khăn vì thiếu nước ngọt.
Đáng lo ngại nhất là sông Mekong. Theo báo cáo của LHQ công bố tháng trước, từ cuối năm 2015, mực nước hạ lưu sông Mekong đã xuống đến mức thấp nhất trong gần 100 năm nay. LHQ đánh giá mực nước qua sông Mekong và các phụ lưu trong tháng 3 thấp hơn 30%-50% so với mức trung bình hằng năm của tháng 3. Mực nước giảm trong mùa khô dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập. Năm ngoái, do mưa giảm bất thường, mặn xâm nhập sớm hơn hai tháng ảnh hưởng đến nước ngầm và các cánh đồng lúa sâu 90 km trong nội địa.
Chuyên gia Leocadio Sebastian phụ trách chương trình khu vực của văn phòng Viện Nghiên cứu lúa quốc tế tại Hà Nội ghi nhận có nhiều yếu tố khiến sông Mekong cạn kiệt. Đầu tiên là hiện tượng El Nino làm mưa giảm góp phần gây ra hạn hán. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Kế đến là các đập thủy điện trên thượng nguồn đã thu hẹp dòng chảy sông Mekong.
Chuyên gia Clément Bourgoin của CIAT khuyến cáo các vùng ven sông Mekong có thể trở nên ít phù hợp hơn để làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa, bởi mùa hè nóng hơn và mặn xâm nhập. Các giống lúa chịu mặn và chịu hạn có thể cứu một số nông dân nhưng sử dụng giống biến đổi phải khớp với mô hình khí hậu tốt. Ông nhấn mạnh: “Ngay cả các giống lúa có khả năng chịu hạn cũng không chịu nổi các đợt hạn hán tồi tệ nhất”.