Nếu chỉ tính riêng số GPLX quá hạn xử phạt bị người vi phạm “bỏ quên” tại Đội CSGT Rạch Chiếc (thuộc Phòng PC08 Công an TP.HCM) từ đầu năm 2018 đến nay là gần 3.000 trường hợp. Nhưng trong kệ lưu giữ của đơn vị này, còn rất nhiều GPLX bị người vi phạm “bỏ rơi” từ những năm 2012- 2013,…
Có khi 2, 3 năm mới lên “nhận” GPLX
Số GPLX này đều là GPLX hai bánh được Đội CSGT Rạch Chiếc lưu giữ ngay tại phòng xử lý vi phạm, được xếp ngăn nắp, thứ tự trong từng hộc tủ, ghi rõ từng tháng, từng năm. Khi người vi phạm bất ngờ lên “trình diện” thì có thể dễ dàng lôi ra ngay bộ hồ sơ đó.
Có trường hợp nhiều năm sau mới lên gặp CSGT để "nhận" lại GPLX vì chuyển công tác, ở xa, nhà có tang... Ảnh: LÊ THOA
Đối với các GPLX mà người vi phạm chưa đến nhận, CSGT sẽ gửi thông báo ngăn chặn đến nơi cấp giấy phép đó để ngăn chặn việc xin cấp lại giấy phép mới. Đồng thời, gửi giấy mời nhiều lần đến nơi cư trú của người vi phạm.
Trung tá Phan Minh Phước, Phó Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc cho biết có nhiều nguyên nhân khiến người vi phạm “quên” GPLX đang bị CSGT giữ. Trong đó, đa số là mức phạt tiền của vi phạm đó cao hơn chi phí cấp lại GPLX mới.
Vừa nói, Trung tá Phước vừa chỉ vào những bộ hồ sơ vi phạm do chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn,… với mức phạt lên tới vài triệu đồng, so với chi phí xin cấp lại GPLX mới chỉ vài trăm ngàn thì là quá cao.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người vi phạm không có thời gian để đi đóng phạt, do công việc làm ăn xa, do thay đổi chỗ ở, thiên tai, bệnh tật, mất biên bản vi phạm hành chính,… thậm chí có trường hợp gia đình có tang chế, không có điều kiện đến nhận.
Số GPLX bị người vi phạm bỏ quên chất chồng tại Đội CSGT Rạch Chiếc. Ảnh: LÊ THOA
Trung tá Phước kể: “Thực tế, Đội CSGT Rạch Chiếc đã xử lý trường hợp một công nhân đang làm công trình ở TP.HCM vi phạm giao thông. Sau đó người này đi làm công trình thủy điện khác ở trong rừng nên mãi 2-3 năm sau mới đến lấy. Rồi có người quê tận Lạng Sơn đi lại khó khăn; có người làm việc ở TP.HCM sau được cơ quan cử ra Hà Nội làm việc rồi cho đi nước ngoài công tác hơn năm trời,… Nhớ nhất là có cả trường hợp người vi phạm nhiều năm không lên đóng phạt, sau đó thình lình người nhà tới đưa giấy chứng tử rồi xin lấy lại GPLX để về làm kỷ niệm….”.
Theo Trung tá Phước, đó đều là những trường hợp quá hạn nhưng có lý do chính đáng. Lúc này, CSGT sẽ phải yêu cầu người dân viết bản tường trình, trình bày rõ lý do vì sao đến nay mới đến xử lý, làm cơ sở pháp lý cho việc xử phạt theo quy định.
CSGT phải giữ toàn bộ GPLX bị quên
Trung tá Phan Minh Phước cho biết, đối với GPLX mà người vi phạm chưa đến chấp hành quyết định xử phạt thì đơn vị vẫn lưu giữ chứ không thể tiêu hủy. Việc tiêu hủy chỉ thực hiện khi hồ sơ vi phạm đã được người vi phạm chấp hành và thực hiện quyết định xử phạt theo quy định.
Vì vậy, nhiều GPLX cùng với hồ sơ vi phạm từ năm 2012-2013 mà người vi phạm không lên nhận vẫn được lưu giữ tại Đội CSGT Rạch Chiếc. Trong đó, phần lớn là GPLX loại phôi giấy.
Nếu người vi phạm chưa lên nhận quyết định xử phạt thì hồ sơ vi phạm và GPLX đó không thể đưa vào kho để tiêu hủy mà CSGT vẫn phải lưu giữ Ảnh: LÊ THOA
Trung tá Phước lý giải, GPLX loại phôi giấy là GPLX cũ được sử dụng trước đây nên chưa quản lý chặt nhẽ như GPLX làm bằng chất liệu PET (từ năm 2013) như hiện nay. Nên có tình trạng bỏ giấy phép bị CSGT giữ để xin cấp mới mà không bị phát hiện.
Từ khi thay thế bằng GPLX loại PET thì Bộ GTVT cũng quy định việc đăng ký cấp mới GPLX cho các hạng mục đều phải kiểm tra chặt chẽ, đối soát nếu trùng dữ liệu thì không được cấp mới. Nên dù người vi phạm có bỏ giấy phép bị CSGT giữ để thi mới thì cũng bị phát hiện ngay.
Theo Trung tá Phước, mới đây (tháng 5-2019), Cục CSGT đã có công điện về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường kết nối chia sẻ sử dụng cơ sở dữ liệu dùng trong trong quản lý nhà nước về GPLX, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, hiện đã có phần mềm với cơ sở dữ liệu dùng chung giữa Bộ GTVT và Cục CSGT liên kết với nhau để quản lý GPLX khi bị vi phạm hành chính. “Tôi tin rằng với sự liên kết này thì thời gian tới sẽ không còn tình trạng người vi phạm cố tình bỏ quên GPLX nữa, ý thức chấp hành vi phạm giao thông sẽ tăng lên. Thậm chí cũng không cần thiết việc gửi thông báo ngăn chặn như chúng ta làm lâu nay” – Trung tá Phước nhìn nhận.
Quên việc bị xử phạt
Tôi bị Đội CSGT Rạch Chiếc lập biên bản xử phạt vì lấn làn vào tháng 5-2019. Nhưng do đặc thù công việc phải đi công tác ở nhiều nơi, trong thời gian dài và liên tục. Do vậy mà tôi quên mất việc đi nộp phạt hồi nào không hay. Sáng nay, vô tình lên cơ quan lấy CMND ra có việc thì mới thấy tờ biên bản vi phạm này. Thế là lập tức tôi chạy lên Đội. Cá nhân tôi là vì công việc nên quên mất vụ vi phạm trong hai tháng qua chứ không phải cố tình quên. Mình sai nên mình chấp nhận sửa sai với lại tôi cũng cần lấy GPLX để tham gia giao thông.
Tôi cũng có nghe nhiều người bị phạt thì bỏ GPLX luôn rồi đăng ký thi GPLX mới. Điều này có lẽ do số tiền nộp phạt lớn quá nên nghĩ cách viện cớ mất rồi thi lại cũng không sao. Dĩ nhiên cũng có người quên như tôi chẳng hạn, hay vì lý do khách quan khác. Anh N.M.T- một người làm thủ tục tại Đội CSGT Rạch Chiếc