Chuyên gia góp ý về siết cấp lại bằng lái

Thông tư 12 (ban hành tháng 4-2014) về siết việc cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) đang được chỉnh sửa quy định không đến mức cứ mất bằng lái là thi lại như ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (xem Pháp Luật TP.HCM ra ngày 8-3 và PLO). Tuy nhiên, vấn đề này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ nhà quản lý, các chuyên gia, luật sư và giới tài xế.

PHAN THỊ THU HIỀN, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

Ngăn chặn tài xế gian dối

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, đề xuất các giải pháp siết chặt công tác cấp lại GPLX nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin lại GPLX không đúng quy định. Đồng thời, đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối xin cấp lại GPLX.

Lý do đưa ra việc nghiên cứu trên là thời gian qua đơn vị nhận được phản ánh của Cục CSGT cũng như công an các địa phương về việc có hàng chục ngàn GPLX đã bị lực lượng CSGT tạm giữ nhưng nhiều người không đến nhận. Nhiều người có GPLX bị thu giữ nhưng cố tình gian dối đến cơ quan cấp GPLX xin cấp lại do chi phí cấp đổi GPLX chỉ có 135.000 đồng. Ngoài ra, có nhiều người cố tình khai báo mất để xin cấp lại GPLX nhằm sử dụng nhiều GPLX không đúng mục đích.

Các chuyên gia đề xuất cần có giải pháp công nghệ để giúp quản lý hiệu quả việc cấp lại bằng lái. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông NGÔ ĐÌNH QUANG, Trưởng phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX , Sở GTVT TP.HCM:

Luôn kiểm tra trước khi cấp lại bằng

Trong trường hợp mất bằng, người dân khi nộp đơn xin cấp lại thì theo quy trình chúng tôi sẽ xác minh trong thời gian hai tháng xem bằng có bị tịch thu, xử lý hay có vấn đề gì không, nếu không có vấn đề gì thì sẽ cấp lại.

Về lo ngại có người gian đối, cố tình làm đơn hoang báo mất bằng để có bằng thứ hai, thứ ba thì chúng tôi phối hợp với bên CSGT và trên thực tế đã phát hiện những trường hợp như vậy. Không những vậy, còn có trường hợp có bằng thật rồi vẫn làm bằng giả y như bằng thật để khi bị CSGT tịch thu do vi phạm thì họ bỏ luôn bằng giả.

Ông ĐỖ VĂN BẰNG, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt):

Dữ liệu phải liên thông

Nếu đưa ra biện pháp mất GPLX phải thi lại thì không một ai đồng tình cả. Bởi vì việc mất bằng lái không liên quan đến trình độ, chất lượng người lái xe. Ngoài ra, chúng ta phải nhìn vào mặt tích cực của xã hội chứ không nên nhìn góc độ riêng lẻ mà đánh giá là xấu. Vì 100 người mất GPLX thì một người nói dối chứ không phải tất cả.

Còn để ngăn chặn tình trạng trên, theo tôi hiện nay hệ thống quản lý GPLX của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên thông cả nước. Bấm máy là có thể biết đang có bao nhiêu giấy phép còn hạn sử dụng, ai đứng tên, nơi nào cấp. Vấn đề là chỉ cần liên thông với Cục CSGT. Khi người dân có yêu cầu cấp lại bằng, Sở GTVT chỉ cần nhấp chuột máy tính là biết ngay ông này đang bị tạm giữ bằng lái hay không.

Ông NGUYỄN VĂN CHÁNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM:

Công khai các vi phạm

Tôi cũng có theo dõi ý kiến của bộ trưởng Bộ GTVT về vấn đề thi lại khi mất GPLX. Cảm nhận đầu tiên là bộ trưởng đưa ra ý kiến có thể là do sợ có người gian dối, báo mất rồi làm thêm bằng nữa. Tuy nhiên, theo tôi thì cần xem xét từng trường hợp, vì có người mất thật sẽ rất thiệt thòi cho họ.

Hiện hiệp hội cũng đang kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam hai vấn đề sau: Thứ nhất, phải xây dựng một cổng thông tin điện tử công khai, đưa tất cả dữ liệu của tài xế (có kèm ảnh) để các đơn vị cần có thể kiểm tra ngay lập tức. Thứ hai, hiệp hội kiến nghị ngành giao thông kết nối liên thông với ngành công an để đưa lý lịch hoạt động của tài xế lên cổng thông tin như quá trình lái xe, hành vi vi phạm, vi phạm mức nào… để tất cả thuận tiện trong quản lý, xử lý.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam:

Không phải hành vi bị cưỡng chế

Với ý kiến mất bằng phải thi lại, tôi thấy có hai vấn đề là: Thứ nhất, đi ngược với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính (việc mất bằng chẳng liên quan gì đến kỹ năng lái xe), mất bằng lái không thuộc hành vi vi phạm pháp luật cần chế tài hay cưỡng chế. Thứ hai, thay vì giải quyết như vậy, tôi nghĩ Bộ GTVT cần có các giải pháp đồng bộ về mặt công nghệ, quản lý để có thể giúp tra cứu lý lịch hoạt động của tài xế, quản lý các cơ sở cấp GPLX để tránh tình trạng “bao đậu”, học cho có… Chúng ta nên làm từ gốc chứ đừng làm phần ngọn, như vậy quản lý mới có hiệu quả.

Ông Đình Dũng, tài xế xe buýt

Bằng lái là cần câu cơm

Với giới tài xế chúng tôi, bằng lái đi liền với miếng cơm manh áo. Không ai dám lái xe mà trong mình không mang theo bằng. Tôi thì chưa mất bằng lần nào. Việc mất bằng thì trong trường hợp cụ thể vẫn phải thi lại lý thuyết nhưng vấn nạn “bao đậu” lý thuyết hiện nay rất đơn giản.

Khó là qua địa phương khác xin thi lại

Nhiều năm qua, ở TP.HCM diễn ra tình trạng người vi phạm bỏ GPLX bị CSGT tạm giữ mà không chịu đến để đóng phạt và nhận lại. Vì vậy, hồ sơ quá thời hạn xử lý, GPLX chất đống trong kho. Nhiều đội CSGT trực thuộc phòng phải lưu giữ đến hàng chục ngàn GPLX bị bỏ lại. Hiện phòng CSGT đang cho tổng hợp lại toàn bộ số GPLX bị người vi phạm bỏ rơi đang lưu trữ trong kho để có hướng giải quyết.

Qua việc này cho thấy hiện có nhiều người vi phạm đang xem nhẹ việc đóng phạt theo quy định, số GPLX bị người dân bỏ lại ngày một tăng lên. Không loại trừ nhiều trường hợp người dân bị tạm giữ GPLX rồi đến các trung tâm đăng ký thi sát hạch báo mất GPLX để xin được cấp mới.

Đối với các trường hợp quá thời hạn hẹn giải quyết mà người vi phạm chưa đến đóng phạt thì phòng đều gửi thông báo ngăn chặn đề nghị Sở GTVT (nơi người dân làm GPLX) không cấp mới GPLX cho các trường hợp đang bị tạm giữ. Tuy nhiên, người dân hoàn toàn có thể thi GPLX ở nhiều địa phương khác nhau nên rất khó quản lý.

Do vậy, để khắc phục vấn đề này, giữa cơ quan cấp GPLX và cơ quan tạm giữ cần có một hệ thống dữ liệu chung cả nước. Để khi người dân đến địa phương khác xin cấp GPLX mới thì cơ quan cấp sẽ nhanh chóng phát hiện người này có bị tạm giữ GPLX hay không. Nếu người dân vi phạm nhiều lần, phải có những hình thức răn đe mạnh như tăng mức xử phạt, từ chối cấp bằng…

Một cán bộ lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP.HCM

LÊ THOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm