Hội thảo đã thu hút 180 đại biểu, các nhà khoa học trên cả nước và TP Đà Nẵng về tham dự.
Tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh (Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) khẳng định việc phát triển bền vững Khu du lịch quốc gia Sơn Trà là phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể vùng duyên hải Nam Trung bộ.
“Trong những tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến TP Đà Nẵng, đặc biệt là bán đảo Sơn Trà tăng. Vì vậy, bán đảo Sơn Trà có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch” - ông Hồ Kỳ Minh nói.
Ông Hồ Kỳ Minh (Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TRI
Đến thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng đang triển khai rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch: Quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn rừng đặc dung.
Trình bày quan điểm của mình, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết bán đảo Sơn Trà không phải chỉ để ngó, không phải chỉ để đi qua mà còn để phục vụ cho cả mục đích kinh tế, nhưng phục vụ cho mục đích kinh tế với yêu cầu là phải bảo tồn. Nhất thiết không cho phép xây dựng thêm và phải thay đổi cách phát triển du lịch với bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa cả vật lực và tài lực, cả quy định pháp lý để bảo tồn Sơn Trà một cách hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn.
“Chúng ta không thể nào phát triển du lịch ở Sơn Trà theo cách như hiện nay. Tôi có nghe thông tin về Sơn Trà trên báo chí, phản ứng chung của tôi là ở Việt Nam có những di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu và khi mất đi không bao giờ tái tạo lại được. Phát biểu của tôi là trên tinh thần chúng ta phải ra sức bảo vệ di sản ấy” - ông Nghĩa nói thêm.
Ông Trương Trọng Nghĩa nói về sự quan tâm của mình đối với bán đảo Sơn Trà. Ảnh: NGUYỄN TRI.
Theo ông Nghĩa thì Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng cần có trách nhiệm trực tiếp và cực kỳ quan trọng trong vấn đề bảo tồn Sơn Trà, nhưng trách nhiệm, hành động này nằm trong khuôn khổ chung của luật pháp. Sơn Trà là di sản quý báu của quốc gia và không phải cho một vài thế hệ, mà phải cho hàng trăm, hàng ngàn năm sau, như nó từng tồn tại hàng nghìn năm ở đây. Trên tinh thần đó, lãnh đạo Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp với Sơn Trà.
“Người dân Đà Nẵng có quyền lợi ở việc khai thác bán đảo Sơn Trà. Đó mới gọi là phát triển bền vững. Chúng ta phải vận động ngay chính các doanh nghiệp, vì thương hiệu, tinh thần yêu nước, tinh thần xã hội của anh thì nếu có chịu thiệt hại, hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà, thì đó chính là vinh dự”- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nếu làm được điều đó, theo ông Trương Trọng Nghĩa thì nó sẽ tăng lòng yêu mến của người dân với doanh nghiệp đó. Các nhà doanh nghiệp nếu có bị thiệt hại, chính quyền phải làm việc với họ và nếu có phải bồi thường, phải bồi thường, nhưng quá sức chịu đựng của ngân sách thì vận động họ. Ông Nghĩa cho rằng nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sẽ hoan nghênh họ.