Không điều tra, thanh tra hoạt động xét xử các vụ án đang thực hiện tố tụng

(PLO)- Đây là đề xuất được nêu tại Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân nhằm đảm bảo nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Theo dự thảo trình QH, Điều 11 dự luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật Tổ chức TAND 2014 về việc thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Cụ thể, dự luật bổ sung quy định tòa án, thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án đang trong quá trình tố tụng.

Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc "không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định thẩm phán, hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong giải quyết vụ việc đó".

thanh tra
Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nêu ý kiến về quy định tại dự thảo, một số đại biểu nhất trí với dự thảo Luật. Các đại biểu này cho rằng đây là quy định rất tiến bộ, giúp cho hoạt động tố tụng được diễn ra bình thường, không vi phạm nguyên tắc độc lập trong xét xử đã được quy định tại Hiến pháp. Việc thanh tra, điều tra sẽ làm giảm tính độc lập, uy tín, sự tập trung của Thẩm phán trong quá trình xét xử.

Cũng có đại biểu bên cạnh việc nhất trí thì đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ "giám sát" trước cụm từ "điều tra, thanh tra" đối với hoạt động xét xử. Vì khi hoạt động tố tụng tiến hành mà chưa có bản án, quyết định của Tòa án thì không nên tiến hành giám sát, kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, quy định này cũng không mâu thuẫn với các luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị không quy định trong dự thảo Luật nội dung này với lý do: Vấn đề thanh tra, điều tra không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND. Hoạt động điều tra, thanh tra tuân thủ pháp luật thanh tra và pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật điều tra; không được cản trở hoạt động xét xử.

Nói về vấn đề này tại Quốc hội hôm 22-11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, thời hạn tố tụng trong các vụ việc rất khắt khe, giải quyết vụ án chỉ trong 1 tháng khi hồ sơ chuyển sang.

Từ đó, Chánh án đặt vấn đề: Nếu trong vụ án hình sự, tòa án đang giải quyết thì có quyết định thanh tra hay giám sát vào phải dừng lại thì có đảm bảo được thời hạn tố tụng ngặt nghèo đó không?

Bên cạnh đó theo Chánh án Tối cao, nếu những vi phạm do lỗi chủ quan (nhận tiền, làm sai lệch hồ sơ… thì sẽ bị xử lý ngay lập tức, viện kiểm sát, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc ngay.

Vì vậy, người đứng đầu ngành toà án cho rằng cần tránh việc dùng biện pháp thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng để can thiệp vào tư pháp, “như thế là vi phạm độc lập tư pháp”.

“Việc này tất cả các nước đều quy định như thế, không phải chúng tôi làm việc này là có gì đấy để che giấu, không có nước nào đang trong quá trình tố tụng mà lại có quyết định thanh tra, kiểm tra. […] Các đồng chí thấy chỉ có 1 tháng phải giải quyết xong vụ án, bây giờ phục vụ việc giải trình cho thanh tra, kiểm tra thì làm sao đủ thời gian”, ông Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm