Chỉ mấy câu đó thôi, người đứng đầu Chính phủ đã làm nức lòng quần chúng, đảng viên.
Chia sẻ với phóng viên ít phút nghỉ giữa phiên họp Chính phủ hai ngày trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiêm nhường: “Tôi nói có gì mới đâu. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - những điều thiêng liêng ấy đã được Đảng khẳng định từ những năm 1930 đến giờ và Hiến pháp nào cũng nêu trang trọng”.
Vâng, không mới nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay thì ý nghĩa vô cùng.
Quan hệ Việt-Trung bình thường hóa trở lại từ năm 1991 với cam kết 16 chữ và bốn tốt. 23 năm qua, trên nền tảng ấy, đôi bên đã đạt được những thành tựu khích lệ. Nhưng xen vào đó cũng có những lúc thăng trầm, mà rõ nhất là lúc này, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa, hạ đặt giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên biển Đông, vốn được quy định và bảo vệ bởi Công ước Luật Biển LHQ 1982.
Trong lúc thăng trầm ấy, ắt hẳn trong tâm tư không ít cán bộ, đảng viên, người dân băn khoăn, trăn trở, thậm chí mơ hồ: “Hữu nghị, tốt” với nhau như thế thì phải chăng nên nín nhịn, vì đại cục đóng cửa bảo nhau?
Dứt khoát không! Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ đã giải nghĩa rõ hơn thông điệp của mình: “Ta rất mong muốn hòa bình, hữu nghị. Nhưng họ đâm chìm tàu cá ta, dùng vòi rồng bắn phá tàu ta, vì hữu nghị mà không nói ra à? Phải nói. Ta thông báo đầy đủ, trung thực cho thế giới biết. Ta không nói quá lên, cũng không nói giảm đi!”.
Trong lúc thăng trầm ấy, không ít người lo lắng làm căng với Trung Quốc để rồi họ đóng cửa biên giới, gây khó khăn kinh tế thì sao? Chuyện mới ngoài biển xa xôi, còn việc làm ăn kinh tế lợi ích đang sát sườn đây, vậy nên ưu tiên cái nào?
Câu trả lời của người đứng đầu Chính phủ cũng rất rõ ràng: “Đấu tranh chủ quyền thì cứ đấu tranh, còn làm ăn thì cứ làm ăn. Trung Quốc khó đóng cửa hoàn toàn, vì đó là lợi ích của họ. Còn nếu họ tính chuyện nước lớn, chấp nhận thiệt một ít để gây hại lớn cho ta thì thế giới này còn có luật lệ”.
Dù là chuyện kinh tế hay tranh chấp, mâu thuẫn ngoài biển xa. Dù là đồng chí, láng giềng, hữu nghị, đồng chí với nhau mà anh buộc tôi phải kêu luật pháp quốc tế để phân xử. Lúc ấy, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với giới trí thức hai tuần trước, “bát nước đầy đã đổ, khó lấy lại”.
Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra huống chi là cái giàn khoan to đùng đó, 16 chữ, bốn tốt nào giải thích nổi!
NGHĨA NHÂN