Trong tuần, các bài viết “Hiểm họa từ thùng container không gài chốt”, “Lúng túng xử phạt tài xế xe container không cài chốt” đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ rơi thùng container khiến người dân hoang mang, lo sợ. Cụ thể, ngày 16-8, một xe container đụng gầm cầu vượt Linh Xuân làm rớt thùng container. Gần đây nhất là ngày 2-11, một đôi vợ chồng ở Bình Phước bị thùng container đè tử vong. Chỉ vì bất cẩn, chủ quan, thậm chí cố tình của tài xế mà các xe container đang được xem là hiểm họa khôn lường trên đường khiến nhiều người lo sợ.
Gài chốt gù container, sao chỉ nhắc nhở?
Bạn XuanNam nêu ý kiến: “Từ lâu các xe container đã là nỗi ám ảnh của người dân khi lưu thông trên đường, nhất là ở các tuyến quốc lộ…, nhiều người gọi xe container là hung thần đường bộ cũng phải. Ỷ to lớn, kềnh càng nên các xe container sẵn sàng vượt tất cả các xe, lấn làn để chạy. Thấy xe container là xe nào cũng phải né cho an toàn. Bản thân tôi khi ra đường thấy xe container từ xa là lo tránh rồi, dù rằng mình đi đúng luật. Xe container chỉ đi đúng luật khi thấy bóng dáng của CSGT mà thôi”.
Bạn đọc Nguyên Minh cũng bày tỏ nỗi sợ tương tự. “Bản thân tôi hằng ngày đi làm ở Khu chế xuất Linh Trung nên thấy rất nhiều xe container chạy rất ẩu, bất chấp luật giao thông. Có nhiều xe chở thùng hàng container quên khóa cửa, rồi cứ để vậy mà chạy, nguy hiểm vô cùng. Thiết nghĩ các chủ doanh nghiệp vận tải quản lý xe container cần có chế độ giám sát, huấn luyện tài xế của mình thật kỹ về đạo đức nghề tài xế để hạn chế những tai nạn thương tâm”.
Bạn Thu Thủy đề xuất: “Nghe đến việc container rơi là ai cũng khiếp sợ nhưng luật chế tài cho việc này lại chưa rõ ràng. Nếu luật chưa có quy định về việc gài chốt gù container thì chủ xe phải có biện pháp bắt buộc các tài xế của mình phải thực hiện. Ở nước ngoài, tài xế trước khi cho xe container lưu thông phải tự kiểm tra theo quy trình rõ ràng, nên ít có chuyện rớt thùng như ở Việt Nam (VN) mình. Yếu tố kỹ thuật không gài chốt gù nguy hiểm như vậy mà các cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở thì đáng lo quá!”.
Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Không chấp nhận Thành Long đến Việt Nam
Bài viết “Bị phản ứng, tổ chức Operation Smile hủy việc Thành Long tới Việt Nam” cũng nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Từ ngày 7-11, trên mạng xã hội Facebook Việt Nam (VN) đã xuất hiện hình ảnh diễn viên Thành Long trên một thư mời họp báo của tổ chức Operation Smile Vietnam tại Hà Nội vào ngày 10-11. Kèm theo bức ảnh này là làn sóng kêu gọi tẩy chay Thành Long tới VN với lý do Thành Long từng công khai ủng hộ bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền biển, đảo hiển nhiên của VN.
Theo bạn QuocNam, dân tộc nào cũng có lòng tự tôn dân tộc của mình, không có nhà hảo tâm nào đi ủng hộ cho hình ảnh đi ngược lại quyền lợi, luật pháp của một dân tộc.
Bạn Minh Nhật nêu ý kiến: “Tôi không chấp nhận việc Thành Long công khai ủng hộ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc sang VN. Hình ảnh của Thành Long như vậy thì làm sao mang lại nụ cười cho người dân VN”.
Nhìn toàn cục câu chuyện này, bạn Tú Minh bày tỏ: “Trước phản ứng của dư luận, tổ chức Operation Smile Vietnam cho biết sẽ không tổ chức bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Thành Long trong dịp kỷ niệm này ở VN. Cộng đồng chúng ta đã bày tỏ thái độ với Thành Long như thế là rất hoan nghênh nhưng cũng không nên phủ nhận những đóng góp của Smile khi họ đã mang lại hơn 60.000 nụ cười cho trẻ em VN trong 30 năm qua”.
Đọc kiểm điểm toàn trường là phản giáo dục Ngày 6-11, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, đã xác nhận có việc trường kỷ luật một nam sinh lớp 8 vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS trên mạng xã hội. Điều đáng nói là chính thầy Thụ đã thừa nhận mình là người làm và gửi clip em học sinh bị kỷ luật đọc bản kiểm điểm lên mạng. Bài viết “Công khai clip học sinh kiểm điểm: Trường nhận sai” đã nhận được nhiều ý kiến bạn đọc không đồng tình, không ủng hộ cách làm phản giáo dục của nhà trường. • Việc nhà trường bắt em này đứng trước toàn trường đọc kiểm điểm là bêu riếu, phản giáo dục. Các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách chứ đâu phải người lớn. Vì thế phải tìm cách hướng dẫn giáo dục hơn là phạt nặng, đình chỉ học - MaiTrang • Hành vi như vậy bị phạt là đúng nhưng phạt thế nào để học sinh nhìn nhận lỗi của mình là sai trái để không tái phạm. Đây là một đứa trẻ, phạt như vậy liệu có mang lại hiệu quả hay phản tác dụng - Huỳnh Trung • Lứa tuổi này có cái tôi rất lớn, xử lý không khéo nó sẽ đi vào con đường xấu. Nên nhìn nhận lại hành vi của trẻ để đưa ra hình phạt thuyết phục. Còn phạt đứng trước toàn trường đọc bản kiểm điểm vậy là không nên - Lan |