Lúng túng xử phạt tài xế xe container không gài chốt

Liên tiếp các vụ rơi thùng container khi đang lưu thông trên đường ở TP.HCM khiến dư luận lo lắng. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng quy định xử phạt tài xế không gài chốt container lưu thông trên đường chưa thực sự rõ ràng.

Dẫn luật lòng vòng

Một CSGT ở TP.HCM cho biết hiện nay, để xử phạt các trường hợp làm rớt thùng container trên đường mà không gây thiệt hại về người và tài sản là rất khó. Đa số các tài xế xe container sẽ lấy lý do rằng container không cần phải chằng buộc hay xếp dỡ gọn gàng nên rất khó xử phạt.

Vì vậy, để giải thích cho tài xế hiểu thì lực lượng CSGT phải dẫn dắt rất nhiều cơ sở pháp lý quy định việc xếp hàng lên xe phải đảm bảo an toàn.

Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định khoản 1 Điều 20 về việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không rơi vãi dọc đường và không cản trở việc điều khiển xe.

Đồng thời tại điểm a khoản 1 Điều 72 quy định vận tải hàng hóa bằng ô tô phải được xếp gọn gàng và chằng buộc chắc chắn. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 35/2013 của Bộ GTVT quy định về xếp hàng vào container và xếp container trên ô tô thì sử dụng các thiết bị để định vị container với xe, đảm bảo container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.

Hiện chưa có quy định về xử phạt vi phạm tài xế xe container quên gài chốt. Ảnh: Đ.TRANG

vị CSGT này kiến nghị cần có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để CSGT có thể xử lý các trường hợp vi phạm này.

Tương tự, đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho hay hiện chưa có quy định rõ để xử phạt hành vi làm rơi thùng container xuống đường. Vì vậy, trong nhiều lần xảy ra tình trạng rớt container xuống đường, CSGT chỉ làm nhiệm vụ giải phóng hiện trường, nhắc nhở tài xế mà không có cơ sở để ra quyết định xử phạt.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nhận định: Để xử lý được các trường hợp này thì phải chờ Nghị định 46 sửa đổi, bổ sung. Lúc đó lực lượng chức năng mới có cơ sở để xử phạt. “Còn hiện nay chúng tôi chỉ nhắc nhở để các tài xế chú ý gài chốt đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông” - ông Khánh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) việc tăng mức phạt một hành vi nào ban soạn thảo đều phải cân nhắc, đặt hành vi đó trong mối tương quan với các hành vi tương đương.

Đặc biệt phải bám theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, không thể quy định vượt khung. Vì vậy, sắp tới Bộ Tư pháp sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng nâng mức xử phạt, lúc đó Nghị định 46/2016 mới điều chỉnh nâng lên tiếp được. 

Chủ doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết: để hạn chế tình trạng container rớt trên đường, đơn vị kinh doanh vận tải phải ban hành quy trình, quy phạm. Trong quy trình cần ghi rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từ việc bốc xếp đến khi rời cảng, bến, nhà ga và khi tham gia giao thông đường bộ. khi xảy ra sự cố nghiêm trọng thì ngoài trách nhiệm chính của tài xế còn có trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và các bộ phận liên quan.

Ông Thạch cũng đánh giá: Nếu chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định pháp luật, bộ phận quản lý an toàn giao thông chưa làm hết trách nhiệm cần xử phạt, thậm chí để xảy ra sự việc nghiêm trọng cần truy tố trách nhiệm hình sự.

Thanh tra giao thông thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, trong đó có tiến hành kiểm tra việc xếp dỡ, ràng buộc hàng hóa có chắc chắn hay không. Tuy nhiên, hiện nay container không phải là đối tượng chằng buộc như các phương tiện khác. Vì vậy, cần chờ Nghị định 46 sửa đổi, bổ sung xem có quy định rõ ràng hay không.

Đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương

Hiện nay việc khóa chốt gù container mới chỉ mang tính chất tuyên truyền, nhắc nhở doanh nghiệp, tài xế trong quá trình tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi container rơi xuống đường thì không có quy định cụ thể để xử phạt, bởi thùng container không cần phải chằng buộc theo Nghị định 46/2016.

Vì vậy, trước tình hình không đảm bảo an toàn giao thông, nguy cơ xảy ra tai nạn thì cần xem xét, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Nghị định 46 để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó các đơn vị chức năng mới có cơ sở xử phạt các trường hợp vi phạm.

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNGPhó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm