Không nên lạm dụng thức ăn kiêng

Bệnh nhẹ thành… bệnh nặng

Trước đây, thực phẩm ăn kiêng dành cho người bệnh béo phì, đái tháo đường, gout… phần lớn chỉ nhập từ nước ngoài, phải tìm “đỏ mắt” mới có và giá bán rất cao, nay mặt hàng này đã được các doanh nghiệp trong nước sản xuất đại trà với giá bán chỉ bằng phân nửa. Tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị… và cả trên mạng, thức ăn kiêng các loại được rao bán rất nhiều.

Theo khảo sát của chúng tôi, thị trường thực phẩm ăn kiêng hiện có rất nhiều chủng loại hàng như: Bánh quy, bánh xốp, bột ngũ cốc, nước ép trái cây, cà phê hòa tan, bia… Thậm chí, có cả những sản phẩm chỉ xuất hiện theo mùa như bánh trung thu cho người ăn kiêng.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng ngại là phần lớn người bán hàng không có kiến thức chuyên môn để hướng dẫn cho khách hàng chọn mua thực phẩm phù hợp với tình trạng bệnh lý của họ và tư vấn cách dùng hợp lý.

Theo bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, bánh chứa đường ăn kiêng dành cho bệnh nhân đái tháo đường vẫn làm tăng đường huyết nếu dùng quá số lượng, thậm chí có thể gây biến chứng nguy hiểm. Ví dụ, đối với kẹo ngậm resoni thì không được ngậm quá 8 viên/ngày, bánh quy bơ sữa không được ăn quá 4 gói/ngày…

Vẫn phải đảm bảo đủ dưỡng chất

Bác sĩ Thủy cho biết, hiện nay có một số loại thực phẩm giảm cân được sử dụng thay thế hoàn toàn chế độ ăn của người bệnh. Các thực phẩm này thường có tác dụng tức thì như làm giảm cân nhanh cho người béo phì.

Nhưng nếu áp dụng hình thức này trong một thời gian ngắn khoảng 1-2 tuần, bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi và không thể hoạt động, làm việc bình thường, còn về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Vì thế, dù ăn kiêng nhưng người bệnh vẫn phải chọn sản phẩm chứa đủ hàm lượng chất dinh dưỡng thiết yếu như: Đạm, các vitamin, khoáng chất… để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Các thực phẩm này thường vẫn đảm bảo dưỡng chất nhưng riêng chất bột đường và béo thì có hàm lượng rất thấp và tăng chất xơ để giúp no.

Lời khuyên của các nhà chuyên môn là: Trước khi muốn dùng thực phẩm ăn kiêng, người bệnh nên gặp các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn kiêng cho phù hợp.

Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi và điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các biến chứng gây nguy hiểm cho sự phát triển của cơ thể, vì mỗi bệnh có một biện pháp ăn kiêng khác nhau.

Chẳng hạn, người bệnh béo phì cần có chế độ ăn giảm năng lượng nhưng vẫn đủ chất cần thiết, tăng rau; người bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn ổn định chất bột đường trong mỗi bữa ăn và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để đường huyết không tăng quá cao một lúc, ăn nhiều rau; người bệnh tim mạch cần giảm béo động vật, giảm muối và tăng rau; người bệnh gout cần giảm đạm động vật…

Ngoài ra, khi chọn thực phẩm ăn kiêng, người mua nên tìm những sản phẩm có ghi rõ thành phần phụ gia trên bao bì, khuyến cáo cụ thể về hàm lượng dùng… để dễ kiểm soát trong quá trình dùng.
Theo Giadinhnet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm