Ngày mai, 1-6, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT có hiệu lực thi hành. Lần đầu tiên người khuyết tật được đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái ô tô hạng B1 (ô tô chở người dưới chín chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) với xe số tự động.
Pháp Luật TP.HCMcó cuộc trao đổi với ông Võ Trọng Nhân (ảnh), Trưởng phòng Đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT, về vấn đề này.
Người bị bệnh khó thở: Không ngoại lệ!
. Phóng viên: Thưa ông, có quy định ngoại lệ nào với người khuyết tật khi học, thi lấy bằng lái ô tô hạng B1 số tự động không?
+ Ông Võ Trọng Nhân: Không! Về tiêu chuẩn sức khỏe, người khuyết tật học, lấy bằng lái xe hạng B1 số tự động cũng phải tuân thủ Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BGTVT-BYT. Theo đó, họ phải khai đủ tiền sử, bệnh sử của gia đình và qua vòng kiểm tra của bác sĩ, sau đó mới được khám tám chuyên khoa lâm sàng như tâm thần, thần kinh, mắt, tai - mũi - họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và chuyên khoa nội tiết (phụ nữ có thêm khoa thai sản).
. Như vậy các dạng khuyết tật nào sẽ không được học, thi lấy bằng?
+ Theo Thông tư 24 thì không cho phép những trường hợp sau đây được học, lấy bằng, điều khiển xe hạng B1: Người rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ sáu tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý; thị lực nhìn xa hai mắt dưới 5/10; không nghe được âm thanh trong vòng bán kính 4 m; rối loạn nhận biết ba màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; suy tim độ III trở lên; các bệnh, tật gây khó thở.
Những người bị cụt hoặc mất chức năng một bàn tay, một bàn chân, một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng) cũng không được phép học và lái xe.
Người mất một tay lái xe tự chế, độ này sẽ không được học lái ô tô hạng B1 số tự động. Ảnh: LƯU ĐỨC
Khiếm thính cũng không lái xe được
. Xe số tự động có chân ga, chân thắng ở bên phải. Vậy người bị cụt chân trái (cụt bàn chân hoặc cả phần chi dưới) vẫn có thể học và lái vì với người bình thường cũng chỉ sử dụng chân phải lái loại xe này?
+ Không phải! Đúng là người bình thường chỉ dùng chân phải khi lái xe số tự động. Nhưng với các tình huống như va chạm trên đường, tai nạn thì người bình thường dễ dàng xử lý, thoát hiểm hơn. Ví dụ, khi va quẹt với người đi xe máy thì người bình thường có thể nhanh chóng dừng, xuống xe giúp đỡ người bị nạn. Còn người mất chi hoặc mất bàn chân sẽ xuống xe chậm hơn, khả năng giúp đỡ, cứu người bị nạn sẽ bị hạn chế hơn.
.Có ý kiến cho rằng người có đủ chân, tay nhưng bị khiếm thính (điếc đi liền với câm) vẫn nghe được tiếng đánh trống ở các Trường Hy vọng thì vẫn có thể lái xe được. Hoặc với người khuyết tật ngôn ngữ (nói ngọng, nói lắp) thì vẫn có thể lái xe bình thường?
+ Đúng là người khiếm thính vẫn nghe được tiếng trống trường. Nhưng đó là âm thanh đơn nhất. Còn âm thanh trên đường rất phức tạp (còi, kèn các loại; tiếng động cơ các loại xe khác nhau…) nên người khiếm thính rất khó phân biệt, xử lý thích ứng. Cạnh đó, điếc đi liền với câm thì làm sao người khiếm thính có thể giao tiếp bình thường với lực lượng chức năng khi có lỗi vi phạm giao thông, buộc phải dừng xe.
Tương tự, với người nói ngọng, nói lắp rất khó giao tiếp với người tham gia giao thông khác hoặc với lực lượng chức năng. Nhưng theo tôi biết, người nói ngọng, nói lắp sau quá trình rèn luyện, được rèn kỹ năng sư phạm thì có thể nói bình thường. Vấn đề là phải kiểm tra ở các cơ sở y tế, nếu họ hết hai dị tật đó thì có thể học lái bình thường.
. Với người mất 1-2 hoặc ba ngón (ở tay phải hoặc tay trái) thì vẫn có thể vuốt vô lăng, vào số mạnh, kéo tay thắng… xe số tự động được chứ?
+ Trường hợp mất ngón tay, theo Thông tư 24 là dạng bị giảm chức năng của tay nên rất bị hạn chế khả năng nắm chặt vô lăng, về số mạnh hoặc kéo tay thắng. Chưa kể ở một số xe tự động, cần số còn có thêm chốt khóa bấm, vậy nếu bàn tay phải thiếu ngón thì khả năng đi số là rất hạn chế.
Các cơ sở đào tạo ít… “mặn” • Ngày 1- 6 đã cận kề, đến nay có bao nhiêu cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe chuẩn bị cho việc tiếp nhận, đào tạo người khuyết tật đến học lái ô tô? + Chưa có cơ sở nào cả. Vì muốn đào tạo người khuyết tật thì cơ sở phải mua loại xe riêng hoặc hoán cải một số chức năng, bộ phận kỹ thuật của xe và phải qua đăng kiểm kỹ thuật thì mới được đưa ra đào tạo. Chưa kể phải có những giáo viên chuyên biệt mới có thể dạy được người khuyết tật. Ví dụ, nếu cho phép người khiếm thính học lái thì phải có thầy dạy biết “nói” bằng động tác tay, khẩu ngữ… Số người khuyết tật học lái ô tô thì ít mà tiền đầu tư cho một xe chuyên biệt, thầy giáo đặc thù thì lớn nên các cơ sở đào tạo không… mặn. . Thông tư 12 cho phép cơ sở đào tạo, sát hạch sử dụng xe của người khuyết tật để tập lái, dự thi sát hạch! + Người khuyết tật được đem tới, sử dụng xe của mình để học, dự thi sát hạch nhưng xe đó phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật và đủ các điều kiện quy định hiện hành như có đăng ký, đăng kiểm… |