Kiện đòi mẹ kế trả tiền mai táng cha

Ngày 7-4, TAND quận X, tỉnh Y đã xét xử một vụ kiện khá hy hữu và đau lòng: Một phụ nữ khởi kiện đòi mẹ kế phải trả lại hơn 130 triệu đồng tiền thuốc men, chi phí mai táng… mà mình đã lo lắng cho người cha quá cố.

Mẹ kế thiếu trách nhiệm?

Trong đơn kiện, nguyên đơn nại rằng suốt thời gian cha bà bị bệnh cũng như khi ông qua đời, mẹ kế đã không có một chút trách nhiệm gì. Trước sự thờ ơ này, bà rất bất bình nên buộc phải khởi kiện mẹ kế để đòi lại các chi phí đã bỏ ra.

Cụ thể, khi cha bị bệnh, bà đã bỏ hơn 30 triệu đồng tiền thuốc men, tiền thuê người chăm sóc cha già… Trong đám tang sau đó, bà đã chi hơn 100 triệu đồng để mua đồ tẩn liệm, hòm, dịch vụ mai táng, kèn tây, xe tang… Số tiền cụ thể này bà có hóa đơn, chứng từ đàng hoàng. Còn những chi phí không có hóa đơn chứng minh thì coi như bà tự nguyện chi, không cần mẹ kế phải hoàn trả.

Kiện đòi mẹ kế trả tiền mai táng cha ảnh 1

Khá bất ngờ khi bị con riêng của chồng kiện, người mẹ kế phân trần rằng lỗi không phải ở bà bởi lúc làm đám tang, các con chồng đã không cho bà cùng góp chi phí nên bà không thể làm gì hơn. Bà cũng mù tịt, không rõ tổng số tiền lo tang ma hết bao nhiêu.

“Có thể những chi phí trên nguyên đơn đã kê khống lên cao. Mặt khác, trước khi chi nguyên đơn cũng chẳng hỏi ý kiến tôi. Về cái tình cũng như bổn phận, tôi đồng ý trả lại cho nguyên đơn 60 triệu đồng. Phần còn lại nguyên đơn cũng phải có trách nhiệm gánh vác cùng với mọi người trong gia đình” - người mẹ kế trình bày.

Tòa: “Hãy vì đạo lý”…

Tại phiên xử, sau khi nghe hai bên giãi bày, tòa nhận xét về mặt pháp luật, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không có gì sai nhưng về mặt tâm linh thì đối với người Việt là khá cấm kị. Theo phong tục, người quá cố vốn cần mồ yên mả đẹp, trong một thời gian ngắn sau khi người đó qua đời cần tránh làm những điều xấu, những gì gây ảnh hưởng không tốt với họ…

Đi vào nội dung, theo tòa, vợ chồng, con cái đều phải có nghĩa vụ lo cho người quá cố. Đây là nghĩa vụ của người còn sống cho dù có hay không có tài sản. Đây cũng là đạo lý, tình cảm giữa con người với con người, giữa những người thân thích, máu mủ ruột rà với nhau. Một đạo lý mà không ai phủ nhận được. Do vậy, tốt nhất là hai bên tự hòa giải, tự thỏa thuận với nhau sẽ hay hơn là để tòa phán xử.

Trước sự động viên, giải thích của tòa, hai bên dần dần hiểu ra vấn đề. Cuối cùng, hai bên đã hòa giải được với nhau. Theo đó, bị đơn đồng ý gửi lại cho nguyên đơn 85 triệu đồng, phần còn lại nguyên đơn sẽ gánh chịu.

Sao lại so đo, tính toán như thế?

Trước đây cũng đã có nhiều vụ yêu cầu trả tiền mai táng nhưng đó là những vụ mà một bên có lỗi gây ra cái chết cho người khác. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một vụ kiện đòi lại chi phí mai táng giữa những người thân với nhau khiến tôi không khỏi nhói lòng.

Về mặt tín ngưỡng, người Việt ta khá kị chuyện này. Nói như dân gian, người chết sẽ khó mà yên nghỉ nơi chín suối. Cha mẹ sinh thành, dưỡng dục con cái. Công lao trời biển đó không phải bàn cãi, không phải so sánh. Bổn phận làm con là phải biết lo lắng, chăm sóc cho cha mẹ đến khi người nhắm mắt xuôi tay. Làm mà không cần phải so đo, tính toán điều gì.

Ngồi dự phiên xử, tôi cứ mong phải chi nguyên đơn đừng quá vội vàng, nóng lòng khởi kiện mà tìm cách hòa giải, thỏa thuận nội bộ với nhau ngoài tòa thì tốt hơn nhiều. Kéo nhau ra tòa, dù được chấp nhận yêu cầu hay không thì cái tình, cái mối quan hệ gia đình giữa các bên xem như đã bị một lát cắt, khó hàn gắn. Tôi rất mong rằng sẽ không phải gặp những phiên tòa như thế này nữa.

ĐOÀN BÁ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm