Ngày 10-6, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, qua hơn 40 ngày vận hành chính thức (từ ngày 30-4-2022), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ gần 800.000 lượt xe (trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đi vào vận hành đã giải quyết được tình trạng căng thẳng do ùn tắc gây bức xúc cho người dân kéo rất nhiều năm trước, đẩy nhanh sự liên thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương -Mỹ Thuận. |
Để công tác quản lý khai thác vận hành dự án đảm bảo an toàn, thông suốt, nhà đầu tư đã huy động nguồn lực cùng sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã giải quyết kịp thời các vụ va chạm giao thông.
Cụ thể, đã tổ chức cứu hộ 225 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp thắc mắc và sự cố qua số hotline là hơn 500 cuộc gọi.
Cũng theo doanh nghiệp dự án, khi dự án đưa vào vận hành đã xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến an toàn giao thông, trong thời gian ngắn đã xảy ra các vụ va chạm giao thông làm 2 người chết, 1 người bị thương.
Dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp. Trên tuyến chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp. Cụ thể, toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10 km/1 dải, bên trái tuyến 5 điểm dừng và bên phải tuyến 6 điểm dừng.
Và chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2 m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt các loại xe container, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.
Hiện nay, dọc 2 tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương (49,6 km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5 km) chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại km28+200. Như vậy, đoạn từ km28+500 đến cuối tuyến (km101+126) dài 73 km chưa được bố trí các trạm dừng nghỉ trên tuyến để cho các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi cho lái xe và người tham gia giao thông, đảm bảo đúng yêu cầu và tổ chức an toàn giao thông theo quy định.
Theo dự kiến, doanh nghiệp dự án sẽ thu phí từ ngày 1-7-2022 căn cứ theo phương án phê duyệt. Tuy nhiên với các bất cập nêu trên, doanh nghiệp dự án đề xuất các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng liên quan đến phân kỳ đầu tư dự án, làm cơ sở để xem xét điều chỉnh quy trình vận hành khai thác.
Cấp thiết bổ sung các điểm dừng cứu hộ cứu nạn, kiểm tra kỹ thuật đáp ứng quy mô theo chuẩn đường cao tốc để kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, tiếp nhiên liệu, xử lý sự cố phương tiện hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Đồng thời sớm có kế hoạch triển khai giai đoạn 2, hoàn thiện dự án với lý do tốc độ tăng trưởng kinh tế, lưu lượng xe về Miền Tây ngày càng tăng cao. Việc triển khai sớm giai đoạn 2 để hoàn chỉnh, đảm bảo quy mô kết nối với các tuyến cao tốc đầu tư theo quy hoạch trong khu vực như tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.