Sau phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng bất thường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức đoàn kiểm tra tại một số công ty điện lực trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) trong hai ngày 25 và 26-6.
Lượng điện tiêu thụ tăng kỷ lục
Tại buổi làm việc với EVN chiều 26-6, bà Tô Lan Phương, Trưởng ban kinh doanh EVN Hà Nội, cho biết theo phân tích số liệu hóa đơn tháng 4, 5 và 22 ngày đầu tháng 6 nhận thấy rất rõ hóa đơn tiền điện tăng theo thời tiết.
“Trong tháng 5, Hà Nội có một đợt nắng nóng kỷ lục, trong hai ngày đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình tăng 45% so với tháng trước đó. Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C khiến lượng điện tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay” - bà Phương cho biết.
Theo đó, khách hàng sinh hoạt có sản lượng điện tăng từ 30% trở lên chiếm 66% tổng số khách hàng có phát sinh hóa đơn trong tháng 6. Cụ thể, có khoảng 324.000 khách hàng có sản lượng điện tăng 30%-50%, gần 600.000 khách hàng có sản lượng tăng 50%-100%, gần 390.000 khách hàng có sản lượng tăng 100%-200%, gần 98.000 khách hàng có sản lượng tăng 200%-300% và hơn 110.000 khách hàng có sản lượng điện tăng từ 300% trở lên.
Bà Phương cũng cho biết trong tháng 4 và 5, nếu số lượng khách hàng tiêu thụ sản lượng điện 100-200 kWh chiếm tỉ lệ cao thì sang tháng 6-2020 số lượng khách hàng sử dụng sản lượng 200-300 kWh lại cao nhất.
Thông tin về quy trình lắp đặt và ghi chỉ số công tơ, đại diện EVN Hà Nội cho hay các công tơ trước khi đưa vào sử dụng đều phải được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ KH&CN. Trong quá trình sử dụng, nếu phải kiểm định thì nhân viên điện lực phải tháo công tơ dưới sự chứng kiến của khách hàng, nếu khách hàng vẫn thắc mắc về kết quả thì sẽ đưa công tơ đi kiểm định độc lập.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết hiện nay, ngoài EVN thì còn có bảy đơn vị độc lập khác tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng công tơ và tám đơn vị được cấp giấy phép của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. “Khi bất kỳ một người dân nào có yêu cầu kiểm định chất lượng công tơ thì có thể mang đến một trong số các đơn vị được cấp phép này để kiểm tra” - ông Lâm cho biết.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra tại một số công ty điện lực trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Ảnh: NGÔ CƯỜNG
Cần hướng dẫn khách hàng cách sử dụng điện
Liên quan đến một loạt sai sót hóa đơn tiền điện xảy ra thời gian qua ở một số địa phương như Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, lãnh đạo EVN cho rằng đó chỉ là những sự cố cá nhân. Để tránh xảy ra những sai sót tương tự, lãnh đạo EVN cho biết sẽ thiết lập cơ chế kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới.
Nói về tình trạng sản lượng điện tiêu thụ tăng cao trong thời gian vừa qua khiến người dân thắc mắc, ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Trưởng Phòng đo lường điện, Viện Đo lường Việt Nam, kiến nghị cần phải hướng dẫn rõ hơn cho người dân trong quá trình sử dụng điện.
Nhân viên điện lực không được gì nếu ghi sai chỉ số điện Trước đó, khi tiến hành kiểm tra tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (thuộc EVN Hà Nội), ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh của EVN, cho rằng quá trình từ lúc ghi chỉ số, lập hóa đơn, phát hành hóa đơn, thông báo và khách hàng trả tiền điện đều độc lập. “Tức là người ghi chỉ số công tơ điện thì không tính hóa đơn, người làm hóa đơn thì không thu tiền điện… nên không có động lực để cố tình làm sai. Tất cả đều làm theo quy trình nên làm sai thì chẳng ai hưởng lợi” - ông Dũng cho biết. |
Ông Sơn cho rằng hiện EVN đang ứng dụng nhiều công nghệ, rất hiệu quả trong quản lý. Tuy nhiên, nếu người sử dụng cập nhật thông tin về quá trình sử dụng điện diễn ra hằng ngày thì sẽ tốt hơn, hằng tháng họ sẽ không bất ngờ về số điện năng mình đã tiêu thụ và số tiền mình phải đóng. Hiện nay, đến cuối tháng ngành điện mới đưa ra con số tiêu thụ điện thì đương nhiên với con số lớn thì tâm lý chung họ sẽ thắc mắc. Khi họ tự giám sát việc sử dụng điện thì những thắc mắc về phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao mỗi tháng sẽ giảm đi rất nhiều, họ cũng có ý thức hơn trong việc sử dụng điện tiết kiệm.
“Ở khu vực tôi sống có khá nhiều người phản ánh về lượng điện tăng vọt trong tháng qua. Tôi đã hướng dẫn họ cách kiểm tra, theo dõi lượng điện tiêu thụ hằng ngày. Sau 3-5 ngày, họ đã theo dõi được lượng điện tiêu thụ mỗi ngày rất rõ ràng” - ông Sơn nói.
Hơn 61.000 cuộc gọiđến Trung tâmchăm sóc khách hàng Đại diện Trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc EVN Hà Nội cho biết trong tháng 6, số lượng cuộc gọi của khách hàng cũng tăng đột biến. “Bình quân một ngày chúng tôi nhận đến 4.000 cuộc gọi của khách hàng. Trong mùa nắng nóng nên khách hàng cũng rất khó tính, 99% khách hàng gọi đến trong trạng thái mất bình tĩnh” - đại diện trung tâm này cho biết. Theo thống kê của Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội, trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6, mỗi tháng tiếp nhận từ 50.000 đến gần 70.000 cuộc gọi yêu cầu. Đặc biệt trong 22 ngày đầu tháng 6, trong số hơn 61.000 cuộc gọi yêu cầu thì có đến gần 3.500 yêu cầu liên quan đến hóa đơn tiền điện và chỉ số công tơ, tăng 4,6 lần so với tháng 5. |