Bất kể giờ nghỉ trưa hay ban đêm, hãng này “tương” đủ loại tin nhắn như tuyển nhân viên kế toán, nhắc nợ cước...
Gần đây, nhiều thuê bao Viettel lại bị một kiểu “tra tấn” mới từ những nhân viên thu cước tận nhà. Anh H. (thuê bao số 0989012654) than phiền rằng anh không đăng ký dịch vụ thu cước tại nhà nhưng tháng nào cũng có một nhân viên gọi điện thoại hẹn đến nhà anh thu cước.
Tháng rồi, anh H. chưa kịp đóng cước thì sau đó, ngày nào nhân viên thu cước cũng gọi điện thoại... đòi nợ. Có lần anh đang ăn trưa với khách thì bị các nhân viên của Viettel thay nhau gọi điện thoại nhắc nợ liên tục hai lần chỉ trong vòng năm phút. Thậm chí cô nhân viên thu cước còn nhắn tin vào máy anh rằng nếu anh không có tiền thì cô ta cho mượn tiền để đóng (!?).
Tương tự, chị VP (huyện Bình Chánh, TP.HCM, số điện thoại 0983116770) cũng phải bực bội với cách “chăm sóc” này của Viettel. Có lúc vừa thiu thiu nghỉ trưa thì chị nhận được tin nhắc nợ. Nhân viên thu cước còn gọi điện thoại hỏi nhà chị ở đâu để đến tận nhà thu tiền. Tháng rồi, chị chưa kịp đóng cước thì bị gọi điện thoại nhắc liên tục. Đến khi chị đóng tiền buổi sáng rồi thì buổi trưa vẫn bị gọi điện thoại nhắc.
Thông thường, nếu khách hàng nộp cước trễ thì tháng đầu tiên các hãng điện thoại sẽ cắt chiều gọi của khách. Tới tháng thứ hai, nếu tiếp tục nợ thì họ cắt tiếp chiều nghe, rồi sau đó mới gửi văn bản yêu cầu thanh toán. Nếu khách hàng tiếp tục cù cưa thì lúc này hãng điện thoại mới kiện ra tòa.
Vậy tại sao Viettel lại “truy kích” khách hàng của mình dồn dập như thế? Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Viettel có hẳn một công ty “con” chuyên về thu cước. Nhân viên của công ty này được hưởng phần trăm trên tổng số tiền cước thu được. Chính điều này đã khiến nhân viên thu cước của hãng này “nhiệt tình” thái quá như nêu trên. Lời năn nỉ của một nhân viên với anh H. nói trên là một minh chứng: “Anh tạo điều kiện cho em thu phần cước của anh để em… kiếm thêm chút tiền xăng xe”.
HẢI LY