Kinh tế Mỹ: Nhiều tín hiệu xấu xen lẫn hy vọng

(PLO)-  Không loại trừ rủi ro những diễn biến hiện tại liên quan đến các vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp có thể đẩy Mỹ đến gần hơn với suy thoái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trả lời phỏng vấn đài CBS ngày 27-3, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ Chi nhánh Minneapolis, một trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không loại trừ rủi ro những diễn biến hiện tại liên quan đến các vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp có thể đẩy Mỹ đến gần hơn với suy thoái.

“Yếu tố quan trọng là những cú sốc này sẽ gây ra khủng hoảng tín dụng ở quy mô chưa thể xác định được và chính cuộc khủng hoảng tín dụng đó sẽ khiến nền kinh tế chậm lại” - ông Kashkari giải thích.

Tuy nhiên, ông Kashkari cũng cho biết thêm rằng các quan chức Fed đang theo dõi “rất sát” tác động từ vụ sụp đổ của một số ngân hàng và khẳng định rằng Fed sẽ “hỗ trợ đầy đủ” cho hệ thống ngân hàng.

“Hệ thống ngân hàng Mỹ có vị thế vốn mạnh và rất nhiều thanh khoản. Bên cạnh đó, họ còn nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Fed và các cơ quan quản lý khác” - ông Kashkari nhấn mạnh.

Ý kiến của ông Kashkari có phần tương tự với những đánh giá từ các quan chức thuộc Hội đồng Giám sát ổn định tài chính Mỹ (FSOC) tại một cuộc họp kín vào tuần trước, khi dữ liệu của Fed cho thấy người dân đã rút ra gần 100 tỉ USD từ các ngân hàng tính đến ngày 15-3, dù đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng tiền gửi tại Mỹ.

Tuy nhiên, một số nguồn tin khác nói với kênh CNBC rằng việc chuyển tiền gửi từ các ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn, chẳng hạn như JPMorgan Chase và Wells Fargo, đã chậm lại trong những ngày gần đây.

Tòa nhà của Sàn giao dịch chứng khoán New York ở TP New York ngày 20-3. Ảnh: CNN

Tòa nhà của Sàn giao dịch chứng khoán New York ở TP New York ngày 20-3. Ảnh: CNN

Ông Kashkari cho đó là dấu hiệu của sự phục hồi niềm tin. Củng cố thêm tuyên bố của ông Kashkari, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) hôm 27-3 cho biết Ngân hàng First Citizens (FCB) đã đồng ý mua các khoản tiền gửi và khoản vay của SVB sau hơn hai tuần ngân hàng này sụp đổ.

Theo thỏa thuận, First Citizens sẽ mua lại khoảng 72 tỉ USD tài sản của SVB với mức chiết khấu 16,5 tỉ USD. Tuy nhiên, khoảng 90 tỉ USD chứng khoán và các tài sản khác của SVB sẽ vẫn được FDIC tiếp nhận để xử lý.

Theo hãng tin Reuters, ông Shayne Elliott, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ), hôm 27-3 nhận định tình trạng bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng Mỹ cũng như toàn cầu có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nhưng vẫn còn sớm để khẳng định liệu nó có tương tự cuộc khủng hoảng năm 2008 hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm