Đồng Tháp đề xuất thu mua tạm trữ nông sản

Ngày 27-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNN) tỉnh Đồng Tháp cho biết trong tháng 7 và dự kiến cuối tháng 8, sản lượng sản xuất các loại nông sản chủ lực của Đồng Tháp đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh như lúa gạo 705.433 tấn (tương đương 490.803 tấn gạo), sản lượng thủy sản hơn 90.000 tấn.

Riêng cá tra sản lượng cuối tháng 7 là khoảng 40.000 tấn, tháng 8 là 42.000 tấn, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu.

Trong thời gian qua, Đồng Tháp đã triển khai rất nhiều biện pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cập nhật số liệu sản lượng nông sản hàng tuần, định hướng thành lập tổ nhóm để hỗ trợ thu hoạch nông sản để kịp thời điều phối nông sản cũng như liên kết tiêu thụ. Do đó, đã hạn chế được lượng tồn đọng nông sản, chỉ còn tồn 909 tấn nhãn, 277 tấn cam và khoai lang 1.220 tấn.

Dù tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn luồng xanh, đồng thời hướng dẫn địa phương hỗ trợ thu hoạch nhưng lại gặp khó trong việc thiếu phương tiện vận chuyển và lực lượng tham gia vận chuyển, thu hoạch, sơ chế, đóng gói.

Một số vùng bị phong tỏa không tổ chức được các đội ngũ thu hoạch, vận chuyển vì thiếu vật tư y tế và lực lượng y tế làm nhiệm vụ này.

Bà con miền Tây thu hoạch nhãn. Ảnh: HD

Bên cạnh đó, nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc vào kênh siêu thị có sản lượng ít, phần lớn nông sản đạt mức an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của chợ truyền thống nhưng việc phân phối vào các chợ truyền thống đang gặp nhiều trở ngại, sức tiêu thụ giảm; thương lái trên địa bàn thu mua với sản lượng ít, các thương lái ngoài tỉnh không thể đến thu mua do giãn cách xã hội.

Đề xuất thu mua tạm trữ

Nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ khảo sát các vùng nguyên liệu, thường xuyên cập nhật thông tin về sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch trước 30 ngày để phối hợp với Sở Công Thương xây dựng phương án tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản cụ thể việc huy động lực lượng, diện tích thu hoạch gắn với sản lượng kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng từng mặt hàng nông sản với nhau theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển.

Song song đó tiếp tục kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động xúc tiến, mời gọi các các chợ đầu mối các đối tác tiêu thụ lớn như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Hỗ trợ thực hiện mô hình, chào bán sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online

Đồng thời, Sở sẽ đề xuất triển khai thực hiện các chính sách thu mua tạm trữ, chính sách tín dụng cho cho vay theo chuỗi, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi tham gia thu mua nông sản.

Ngoài ra, Sở kiến nghị cấp thẩm quyền có cơ chế ưu tiên xét nghiệm COVID-19, tiêm ngừa vắc xin cho tổ nhóm hỗ trợ thu hoạch nông sản, tài xế và người tham gia vận chuyển hàng hóa để thuận tiện trong việc tiếp cận và lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh nhanh chóng, kịp thời.

Sớm mở lại các chợ đầu mối và thành lập các trạm trung chuyển nông sản tại TP.HCM để kết nối với các đơn vị thu mua, cung cấp hàng hoá cho TP.HCM và các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ nông sản cho tỉnh cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

n

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm