Doanh nhân Việt bán thịt gà cho ‘ông trùm’ đồ ăn thế giới

Trong bối cảnh giá gà lao dốc thì những trại gà trong chuỗi của Công ty Koyu & Unitek vẫn bán được với mức giá có lời. Đây là đơn vị chuyên xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến đi Nhật Bản với đầu ra ổn định, giá cả tốt. Đây cũng là nhà cung cấp gà cho hầu hết các thương hiệu thức ăn nhanh đình đám trên thế giới đang hiện diện tại Việt Nam.

Ông Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Koyu & Unitek, chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là tìm hiểu khách hàng muốn gì, đòi hỏi gì và nếu đáp ứng được thì chuyện kinh doanh không quá khó”.

Thịt gà Việt vào chuỗi nhà hàng, khách sạn Nhật

. Phóng viên:Đã có nhiều hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi Nhật nhưng để xuất được thịt gà sang thị trường này có vẻ là câu chuyện lạ?

+ Ông Khưu Nhơn Hiếu: Có thể được xem là cơ duyên. Và điều này diễn ra tại Khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai), nơi công ty đặt nhà máy. Lúc đó vào năm 2010, nhiều nhà đầu tư Nhật muốn tìm một đối tác Việt để hợp tác chăn nuôi và khu công nghiệp giới thiệu tôi. Sau thời gian tìm hiểu, hai bên chính thức bắt tay hợp tác đưa sản phẩm gà chế biến xuất khẩu được qua thị trường Nhật.

. Hợp tác là cơ duyên nhưng để sang được thị trường Nhật chắc chắn không hề dễ dàng?

+ Hẳn nhiên rồi. Chúng tôi mất một khoảng thời gian dài để xây dựng và hiện chúng tôi cũng đã xuất khẩu được bốn năm, bình quân một tháng 350 tấn gà, luôn nhận được phản hồi tích cực từ các khách hàng Nhật.

Nhìn chung, thị trường Nhật rất khó tính. Họ không chỉ bắt các doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế mà còn theo tiêu chuẩn riêng, vốn đi sâu vào từng chi tiết. Chẳng hạn, họ yêu cầu nhà máy phải tách riêng từng khâu sản xuất, dây chuyền nhà máy phải đi theo một chiều.

Về mặt chăn nuôi, họ cũng yêu cầu rất kỹ, tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc thú y đặt ra theo tiêu chuẩn Nhật. Nếu thuốc đó bên Nhật cấm là không được xài, còn nếu được phép, nhất là sử dụng thuốc kháng sinh thì phải cắt trước khi giết mổ 1-2 tuần để không còn dư lượng kháng sinh mới được đưa vào giết mổ.

. Buộc chơi theo cách chơi quốc tế, liệu công ty của ông có chịu áp lực lớn?

+ Với lĩnh vực gà, tôi nghĩ càng đầu tư nguồn lực để đáp ứng các tiêu chuẩn càng cao thì càng bán được giá. Hiện nay sản phẩm xuất sang Nhật của chúng tôi giá cao hơn 25%-30% so với sản phẩm thông thường khác.

Với tiêu chuẩn chất lượng cao nên sản phẩm gà của chúng tôi chủ yếu vào các chuỗi nhà hàng, khách sạn Nhật. Thực tế, mỗi chuỗi nhà hàng Nhật đều có đội ngũ đánh giá kiểm định theo tiêu chuẩn, chất lượng riêng của họ. Thường họ sẽ cử đội ngũ đó qua nhà máy của tôi đánh giá từ mặt chăn nuôi, quản lý đầu vào, cách xài thuốc, cho gà ăn đến các khâu giết mổ, cắt lóc, chế biến phải đạt vi sinh cho phép… Chỉ khi nào hàng đạt chuẩn họ mới lấy.

Nhiều người gọi là rào cản kỹ thuật nhưng tôi cho rằng đó là do xã hội ngày càng tiến bộ và người dân Nhật cần được bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Ông Khưu Nhơn Hiếu cho rằng việc đặt ra các tiêu chuẩn cao với gà là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: QUANG HUY

Giá gà lao dốc vẫn sống khỏe

. Nhiều người than nếu áp dụng tiêu chuẩn khắt khe thì dễ tăng chi phí chăn nuôi, khó cạnh tranh. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Chính việc chăn nuôi theo tập quán thường thấy ở Việt Nam là sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều mới đẩy chi phí chăn nuôi cao so với các nước trong khu vực. Nếu tạo ra vùng an toàn với dịch bệnh, chăn nuôi theo cách quản lý chặt chẽ, không sử dụng thuốc vô tội vạ, chỉ khi gà bệnh mới cho thuốc, hay hỗ trợ bằng thảo dược, các loại vitamin… thì giá thành giảm rất nhiều.

Hiện tại chúng tôi có gần 60 trang trại chăn nuôi quản lý theo cách này và thực hiện đúng các tiêu chuẩn Nhật thì dù chi phí quản lý hơi cao nhưng đều có lãi ròng tốt.

. Có nghĩa là dù thời gian qua giá gà giảm mạnh nhưng các trại gà của Koyu & Unitek vẫn sống khỏe?

+ Dưới góc nhìn của tôi, nhu cầu về gà vẫn đang thiếu, cung hàng cũng không dư. Hiện gà lông (chưa làm thịt) rớt giá, chứ còn tại các siêu thị bán gà đến người tiêu dùng cuối giá đâu có giảm. Mặt khác, giá gà lông giảm còn do bị ép giá, như vậy mọi rủi ro đều đẩy về người chăn nuôi.

Tuy nhiên, nếu nuôi theo chuỗi, người chăn nuôi hoàn toàn đứng ngoài rủi ro thị trường. Chẳng hạn, những người chăn nuôi tham gia vào chuỗi gà của công ty, trong bối cảnh giá gà xuống thấp, họ vẫn được chúng tôi đảm bảo mức lời 15%-20%.

Cung cấp gà cho các đại gia

. Khi nhìn về chặng đường đã qua, đến thời điểm giờ, ông thấy những yếu tố nào để công ty thành công đưa sản phẩm vào thị trường khó tính nhất?

+ Người Nhật đòi hỏi mọi sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc. Do đó với các sản phẩm xuất sang Nhật, họ buộc chúng tôi phải lấy mẫu từng lô hàng và lưu giữ trong vòng 24 tháng, trong khi thời hạn sử dụng sản phẩm chỉ có 18 tháng. Đồng thời họ còn yêu cầu lắp đặt các camera giám sát toàn bộ khâu sản xuất và lưu giữ các dữ liệu đó trong vòng hai năm.

Điều này nhằm mục đích nếu có lô hàng nào có vấn đề, họ sẽ kiểm tra lại mẫu, dữ liệu camera để xem xét khâu nào có sai sót. Những yếu tố này rất quan trọng với khách hàng Nhật, vì nếu có tình trạng sai sót mà không truy xuất được nguồn gốc thì sản phẩm đó bị loại ra khỏi thị trường.

. Ông có khi nào từ chối một dự án dù thấy đó là “món ngon”?

+ Với thị trường Nhật, tôi chưa từng từ chối giao dịch kinh doanh nào hết nhưng với McDonald’s tại thị trường Việt Nam thì có. Không phải tôi không đáp ứng được các chuẩn mực họ đặt ra mà do họ đòi hỏi quá nhiều trong khi sản lượng đặt hàng không tương xứng nên tôi từ chối.

Thực tế hiện nay các thương hiệu thức ăn nhanh thế giới như KFC, Popeyes, Texas, Lotteria… hay Vietnam Airlines lấy nguồn gà từ công ty tôi rất nhiều. Hầu hết là gà tươi mà sản phẩm này thì làm dễ hơn so với thị trường Nhật.

. Khi bán cho các thương hiệu thức ăn nhanh quốc tế ở Việt Nam, biên lợi nhuận tốt hơn Nhật?

+ Bán hàng tươi thì không ngon bằng hàng chế biến xuất khẩu đâu. Một phần nguyên nhân nằm ở chi phí giao hàng. Ví dụ, một chiếc xe chỉ giao được khoảng mười mấy điểm bán mà số lượng lại ít do điều kiện đường sá, quy định cấm tải, không có chỗ đậu xe… khiến chi phí tăng cao.

. Xin cám ơn ông.

“Tôi học kinh nghiệm của Úc”

. Để có thể đi con đường như công ty của ông có lẽ đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, điều không dễ dàng cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường?

+ Tôi nghĩ rằng có vốn nhiều thì làm nhiều, vốn ít thì chỉ cần quy mô vừa phải. Điều quan trọng là tìm hiểu khách hàng muốn gì, đòi hỏi gì và nếu đáp ứng được thì chuyện kinh doanh không quá khó.

Chẳng hạn, việc phát triển công ty của tôi dựa trên những kinh nghiệm tôi từng làm. Tôi từng đầu quân vào một công ty gà của Úc để làm và học hỏi trước khi tự xây dựng một nhà máy giết mổ gia công gà bên đó mà có thời điểm lên đến 1.000 công nhân.

Doanh nhân Việt bán thịt gà cho ‘ông trùm’ đồ ăn thế giới ảnh 2
Hiện nay Nhật đang nhập khẩu gà thương phẩm đã qua chế biến của Việt Nam. Ảnh: PM

Vào đầu thập niên 2000, bằng nguồn lực tự có, tôi xây dựng nhà máy tại một khu công nghiệp của Biên Hòa và làm gia công giết mổ cho CP Việt Nam, cũng như tự tạo sản phẩm chế biến mang thương hiệu riêng của mình.

Nhờ tích lũy và đầu tư đúng nên việc hợp tác sau này với đối tác Nhật để đưa sản phẩm gà qua thị trường khó tính nhất thế giới cũng trở nên dễ dàng với tôi.

. Là một doanh nghiệp đã có sự thành công nhất định khi cung cấp cho nhiều đại gia thức ăn nhanh và đưa sản phẩm Việt đi đến thị trường Nhật, ông có tiếp tục vươn đến thị trường khác trên thế giới?

+ Với khả năng của tôi cộng với tiềm lực của đối tác Nhật, một công ty đã có lịch sử hoạt động trên 50 năm trong ngành này thì hiện điều đầu tiên là đến quý II-2020, chúng tôi xây thêm nhà máy để nâng công suất lên 1.000 tấn/tháng. Khi thị trường Nhật phát triển ổn định về sản lượng thì sẽ chuyển trọng tâm sang thị trường châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.