Hàng Việt xuất ngoại: Cước vận chuyển quá cao

Thời gian gần đây, giá cước vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tăng mạnh. Điều này khiến nhiều công ty xuất khẩu mặt hàng khô lẫn hàng tươi gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Cước hàng không tăng gấp 2-3 lần

Nhiều mặt hàng trái cây tươi như chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa… buộc phải xuất khẩu bằng đường hàng không vì thời gian bảo quản không thể được lâu, mau xuống cấp. Thế nhưng các công ty xuất khẩu trái cây cho biết giá cước vận tải bằng đường hàng không đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, dẫn chứng giá cước vận tải trái cây tươi bằng đường hàng không từ TP.HCM sang Mỹ tăng từ 3,2 USD/kg lên hơn 5,4 USD/kg. “Cước vận tải hàng không tăng đồng nghĩa giá bán trái cây Việt Nam (VN) đến thị trường nước ngoài cũng tăng, do vậy khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ của các nước cũng khó tăng lên do hàng Việt giá cao nên ít người mua” - ông Tùng chia sẻ.

Lãnh đạo Tập đoàn Vina T&T cho rằng giá cước tăng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không giảm doanh thu vì tần suất các chuyến bay giảm mạnh. Hơn nữa, thay vì vừa khai thác chở khách lẫn chở hàng thì nay các hãng bay chỉ khai thác chở hàng. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá cước vận tải hàng không của VN đối với hàng xuất khẩu cao hơn so với các nước khác. “Một trong những nguyên nhân là do VN chưa có các hãng bay chuyên về vận tải hàng hóa nên phụ thuộc vào các hãng bay ngoại” - vị lãnh đạo Vina T&T phân tích.

Không chỉ các mặt hàng tươi sống mà với hàng khô, giá cước vận chuyển bằng hàng không còn tăng mạnh hơn. Đại diện một công ty xuất khẩu khẩu trang cho hay bình thường giá cước vận chuyển hàng không đối với đồ khô ở mức hơn 4 USD/kg. Thế nhưng từ hơn một tháng trở lại đây, khi dịch COVID-19 ở các nước diễn biến phức tạp, nhu cầu khẩu trang tăng lên thì giá cước vận tải bằng hàng không tăng vọt lên hơn 11 USD/kg. “Dù cước vận chuyển tăng nhưng rất khó thuê được đơn vị vận chuyển vì các tuyến quốc tế đang bị hạn chế do dịch COVID-19” - đại diện công ty này nêu thực tế.

Đồng quan điểm, nhiều công ty xuất khẩu khác cũng than thở cước vận chuyển hàng không của VN quá cao so với thị trường thế giới. Thậm chí, cước vận chuyển bằng hàng không có khi cao bằng hoặc vượt quá giá trị của hàng hóa khiến nhà kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, 1 kg thanh long xuất khẩu đi Mỹ có giá 3 USD thì cước vận chuyển đã trên 3 USD. Chi phí vận chuyển hàng không cao là do nước ta chưa có đường bay thẳng chuyên chở hàng hóa đi các nước khác như Mỹ, châu Âu… mà phải bay qua nhiều chặng.

Hiện các hãng hàng không đang tăng cường chở hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để giảm khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Ảnh: TL

Sẽ mở đường bay chuyên chở hàng hóa

Các hãng hàng không VN thừa nhận nước ta hiện chưa có đội máy bay chuyên chở hàng hóa mà chỉ có các chuyến bay thương mại kết hợp vận chuyển khách lẫn hàng hóa nên kỹ thuật bảo quản hàng hóa, kho lạnh máy bay còn hạn chế. Song kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 toàn cầu, các nước đóng cửa bầu trời, đường bay thương mại quốc tế gần như tê liệt, ngoại trừ các chuyến bay đưa công dân hồi hương và vận tải hàng hóa giữa các nước còn hoạt động.

Trước bối cảnh mới trên, một số hãng hàng không như Vietnam Airlines đã nhanh chóng chuyển sang khai thác đội máy bay chở hàng hóa nhằm hạn chế tình trạng máy bay nằm đất. Cụ thể, trong hai tháng 3 và 4, Vietnam Airlines đã khai thác hàng trăm chuyến bay chở hàng hóa từ TP.HCM và Hà Nội đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Úc...

“Các chuyến hàng này góp phần kết nối mạch máu kinh tế giữa VN và các nước trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc linh hoạt chuyển hướng này góp một phần doanh thu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hãng trong giai đoạn đầy khó khăn do dịch COVID-19 gây ra” - đại diện hãng chia sẻ.

Tương tự, VietJet cũng chuyển hướng khai thác các chuyến bay chở hàng hóa đi các nước để duy trì mạch hoạt động kinh doanh vận tải hàng không. Đáng chú ý, tại hội nghị trực tuyến về cắt giảm chi phí logistics mới đây, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc VietJet, nhìn nhận điều đáng buồn là hiện nay khoảng 90% lượng hàng hóa quốc tế vận chuyển tại VN do các hãng hàng không nước ngoài đảm nhận. Các hãng hàng không Việt chỉ đáp ứng khoảng 10% lượng hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Do vậy, ông Quang cho rằng cần phải mở đường bay thẳng, đồng thời phải giải quyết các trở ngại về mặt pháp lý, thương mại, kỹ thuật.

“Chúng tôi đang tìm cách để mở đường bay thẳng. Dự kiến vào ngày 2-9 tới, VietJet sẽ kết hợp với một hãng hàng không của Mỹ mở đường bay thẳng từ Hà Nội đi Chicago và Los Angeles bằng máy bay chở hàng. Chúng tôi cũng dự định mở chuyến bay thẳng từ VN tới châu Âu bằng máy bay chuyên chở hàng hóa” - ông Quang cho hay.

Chuyên gia hàng không, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng chi phí vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không cao hơn so với đường bộ, đường thủy. Tuy nhiên, với các mặt hàng thủy hải sản, trái cây, rau củ… thì cần xuất khẩu nhanh để đảm bảo độ tươi ngon mới đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp, nông dân và đảm bảo chất lượng.

Do vậy, với ĐBSCL, nếu tổ chức tốt chuỗi logistics hàng không thì Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ là nơi thuận lợi để các mặt hàng xuất khẩu như thủy hải sản, hoa quả có thể nhanh chóng ra các nước. Ngoài ra, một số sân bay khác cũng có thể tính toán mở các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, qua đó có thể đẩy nhanh việc xuất hàng Việt đi các nước.

Lép vế vì phụ thuộc vào các đơn vị nước ngoài

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho hay không chỉ giá cước hàng không mà cước vận tải tàu biển cũng tăng cao. Ví dụ, trước đây giá cước vận tải từ VN đi Mỹ đối với mỗi container 40 feet là 1.600 USD nhưng hiện nay đã tăng lên 2.600-2.700 USD. “Lượng hàng xuất khẩu giảm nên các hãng tàu tăng giá cước để bù vào” - ông Tùng lý giải.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics VN (VLA), thừa nhận hiện nay vận chuyển bằng đường hàng không hay đường biển quốc tế đều phụ thuộc vào các đơn vị nước ngoài. Với hàng không thì lâu nay nước ta không có hãng nào chuyên vận tải hàng hóa mà chủ yếu là vận chuyển kiểu kết hợp hành khách và hàng hóa. Còn đường biển thì vận tải quốc tế chủ yếu là hãng tàu nước ngoài.

“Cước vận tải đường biển tăng chủ yếu là do các loại phí tăng. Hiệp hội đã phản ứng với các hãng tàu về những loại phí bất hợp lý mà họ đưa ra. Nhưng để giảm được cước vận tải quốc tế thì cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước” – ông Hiệp nêu quan điểm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm