25 năm đóng điện đường dây 500kV Bắc – Nam:

Kỳ tích vượt lên kỳ tích!

Sau hai năm thi công, ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Cống hiến không ngừng

Chặng đường 25 năm hình thành và vận hành đường dây 500kV thể hiện sự cố gắng, cống hiến không ngừng của bao thế hệ “lính truyền tải”.

Là đơn vị quản lý tuyến đường dây 500kV trên địa bàn miền Trung, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2), thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đảm nhận nhiệm vụ hết sức nặng nề là mạch nối cho hai miền Bắc - Nam.

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc PTC2 cho biết, PTC2 đã và đang triển khai việc nghiên cứu, thử nghiệm sử dụng các thiết bị bay không người lái (Flycam, UAV, Drone) thực hiện công tác kiểm tra, quản lý vận hành trên các tuyến đường dây truyền tải điện 220kV, 500kV. Qua đó khắc phục một phần các khó khăn hiện hữu, nâng cao hiệu quả trong quá trình công tác của các đơn vị.

“Lính truyền tải vất vả nhưng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa làm tốt công tác dân vận, vừa tham gia vận hành đường dây, trạm biến áp. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, áp lực cho những người làm truyền tải điện lại càng lớn. Thế nhưng, PTC2 luôn đi đầu trong công tác ứng dụng CNTT trong quản lý vận hành, đường dây huyết mạch này”- ông Phong nói.

Sáng tạo trong ứng dụng công nghệ

Ông Phong cho biết, cuối năm 2018, PTC2 đã nhập về bộ thiết bị bay không người lái (UAV) từ Hà Lan với giá 3 tỉ đồng để thí điểm kiểm tra đường dây 220 kV, 500 kV.  Lãnh đạo công ty đã giao cho nhóm kỹ sư thuộc Phòng kỹ thuật quản lý, vận hành.  Sau khi được Bộ Quốc phòng cấp phép bay (12 tháng), thiết bị UAV này đã bay kiểm tra 1.228 km đường dây 500 kV, 1.613 km đường dây 220 kV, phát hiện rất nhiều tình huống nguy cơ ảnh hưởng đến lưới điện, nhất là các vật thể lạ dính vào đường dây như diều, túi nilong. Đây là nguy cơ cao gây chập lưới điện.

Tuy nhiên, để phát triển thêm các chức năng khác, hỗ trợ công nhân trong việc xử lý sự cố, lãnh đạo PTC2 đã giao nhóm kỹ sư nghiên cứu, thiết kế thêm thiết bị bay dựa trên nền tảng thiết bị đã có. “Trước đây, để xử lý tình huống này, các công nhân sẽ phải cắt điện để trèo ra, dùng tay gỡ chướng ngại vật. Thời gian cắt điện cho các tình huống này phải mất 30 phút. Đây là điều không ai mong muốn”- ông Phong nói.

Nhóm kỹ sư của PTC2 đã thiết kế thành công đưa vào thử nghiệm thiết bị bay không người lái có thể gỡ, cắt, đốt vật thể lạ mà không cần cắt điện. Một thiết bị bay mang thương hiệu PTC2 ra đời từ đó; đặc biệt giá của thiết bị này rẻ hơn nhiều lần so với loại nhập trước đó.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vinh điều khiển thiết bị bay mang thương hiệu PTC2.

Kỹ sư Nguyễn Văn Vinh, Phòng kỹ thuật (PTC2) chia sẻ, sau vài tháng nghiên cứu, tìm tòi, nhóm kỹ sư đã cho ra hình hài thiết bị bay mới, đáp ứng được tiêu chí đề ra. Khác với UAV nhập ngoại là chỉ có camera phát hiện sự cố thì thiết bị bay không người lái thương hiệu PTC2 có thêm hệ thống phun lửa xử lý sự cố.

Cuối năm 2018, PTC2 đã nhập về bộ thiết bị bay không người lái (UAV) từ Hà Lan với giá 3 tỉ đồng để thí điểm kiểm tra đường dây 220 kV, 500 kV. 

Theo đó, máy có bơm áp lực cao để đẩy nhiên liệu từ một bình xăng khoảng 1 lít dưới bụng máy bay, đi kèm với hệ thống đánh tia lửa điện. Khi ở khoảng cách gần chướng ngại vật thì hệ thống này sẽ phát ra một ngọn lửa nhỏ đủ để đốt cháy vật đó mà không gây tổn hại cho đường dây.

Giữ lưới sạch

Những ngày hè nắng như đổ lửa trên mảnh đất Quảng Trị, chúng tôi gặp anh Trần Việt Tú, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Vĩnh Linh (Truyền tải điện Quảng Trị) khi đang cùng anh em vượt núi kiểm tra lưới điện 500kV. Anh Tú kể, Đội Vĩnh Linh quản lý, vận hành hệ thống đường dây trên địa hình đồi núi, dễ xảy ra cháy. Tuy vậy, với tinh thần tập trung cao độ cho công việc, suốt 14 năm qua, Đội truyền tải điện Vĩnh Linh luôn giữ sạch lưới, không có sự cố xảy ra.

“Thời gian qua, nơi đây không có sự cố sét đánh gây mất điện. Bên cạnh đó, các anh em trong đội luôn phối hợp với địa phương vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ đường dây an toàn. Đội cũng thường xuyên lồng ghép các chương trình truyền thông trong trường học, cùng kiểm lâm xây dựng hình ảnh tuyên truyền sinh động về an toàn cháy nổ đến với các tầng lớp người dân”- anh Tú kể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm