Sáng 21-7, Thành ủy TP.HCM cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi họp mặt nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Buổi họp mặt có sự tham gia của 214 đại biểu.
Các nữ tù chính trị từng bị địch bắt, tù đày mừng vui trong ngày hội ngộ. Ảnh: THANH TUYỀN |
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu trao quà kỷ niệm cho các nữ tù chính trị. |
Vết sẹo do bị tra tấn là tài sản lớn nhất
Không thể giấu được niềm vui, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nói mỗi lần gặp lại, các dì, các chị lại thêm già đi đôi chút, sức khỏe và tuổi tác lớn hơn nhưng họ vẫn còn giữ được nụ cười rạng rỡ trên môi.
Bà kể lại, trong những ngày bị tù đày dù gian khổ vẫn có những niềm vui trở thành lẽ sống. Các nữ cựu tù nhường nhau từ miếng cơm, manh áo, chỗ nằm, từng viên thuốc, từng chút không khí để thở.
“Họ chỉ giành nhau một thứ duy nhất, đó là giành lấy phần khó về mình, giành nhau chịu đòn roi khắc nghiệt để bảo vệ đồng đội” - cựu tù chính trị Trương Mỹ Hoa nhắc nhớ về một thời hoa lửa.
Chính tinh thần đoàn kết, yêu thương ấy trở thành lẽ sống rất đẹp, là mối quan hệ giữa người với người, tình đồng chí, đồng đội. Điều đó không chỉ cần trong thời khắc gian nan của thời chiến mà ngay cả trong thời bình. Dù ở thời đại nào, sự sẻ chia, nhường nhịn, đùm bọc lẫn nhau sẽ luôn là bài học lớn rèn luyện mỗi con người.
Bà Trương Mỹ Hoa bộc bạch, dù được giới thiệu nhiều chức danh nhưng bà mong mọi người nhớ đến bà với tư cách là cựu tù chính trị.
“Cuộc đời mình có thể từng giữ nhiều chức vụ trong từng giai đoạn nhưng vinh dự nhất vẫn là khi được nghe người khác gọi là cựu tù chính trị. Da thịt của mình chạm vào đòn roi do địch tra tấn, có sẹo chỗ này chỗ kia cũng là của mình, lâu dần như tài sản của mình” - cựu tù chính trị Trương Mỹ Hoa nói.
Bà Trương Mỹ Hoa bộc bạch, dù được giới thiệu nhiều chức danh nhưng bà mong mọi người nhớ đến bà với tư cách là cựu tù chính trị.
Ký ức không bao giờ quên
Từng năm lần bị địch bắt và tra tấn dã man, cựu tù chính trị Nguyễn Thị Hương nói rằng cho đến bây giờ, khi nghĩ lại vẫn còn thấy đau. Bà tham gia cách mạng, làm giao liên từ những năm 1960. Có lần, bà được giao nhiệm vụ từ Lái Thiêu về Vĩnh Long, khi vòng qua Thủ Thiêm thì bị bắt.
Lúc đó, bà Hương mang theo một xấp vải để may áo dài. Khi bị địch lục soát, bà nhanh trí rũ thật mạnh xấp vải để lá thư bay theo gió rớt xuống ruộng. “Đó là thư mật. Không tìm thấy chứng cứ, địch bắt tôi vì lý do dùng giấy tờ giả” - cựu tù kể lại.
Bà bị giam tại trại giam Thủ Đức. Địch tra tấn bà bằng những hình phạt dã man. “Đau nhất là hình phạt đâm kim vào 10 đầu ngón tay, đau đến tận óc. Chịu hết nổi, tôi chụm 10 đầu ngón tay lại, đập thật mạnh xuống bàn, máu ra quá nhiều, tôi ngất xỉu thì chúng mới dừng” - bà Hương kể lại.
Nhìn các chị em đang còn sống, tay bắt mặt mừng trong ngày hội ngộ, bà Hương xúc động nhớ về các đồng đội bị tra tấn rồi hy sinh trong tù. Đó là bà Năm Thái bị bắt ở quận 3, sau ba ngày thì hy sinh vì bị tra tấn quá dã man, rồi Mười Tho cũng bị bắt và đánh chết tại quận 1…
Năm lần bị địch bắt, tra tấn nhưng chưa bao giờ bà Hương có ý định đầu hàng. Trong tâm trí lúc đó, bà Hương luôn nghĩ về nụ cười của nữ anh hùng Võ Thị Thắng để tự răn mình.
Nụ cười Võ Thị Thắng là động lực lớn cho người tù chính trị
Bà Võ Thị Thắng bị địch bắt, tù đày và bị tuyên án 20 năm tù. Nhưng bà Thắng vẫn bình thản nở nụ cười, nói với người xét xử: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại được đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”.
Cựu tù chính trị Nguyễn Thị Hương nói, nụ cười vào khoảnh khắc đó của bà Thắng là động lực rất lớn cho những người tù chính trị như bà lúc bấy giờ.
Tiếp tục cống hiến trong thời bình
Bùi ngùi kể lại những ngày trong chốn lao tù, nữ cựu tù Lê Tú Cẩm khẳng định những đòn tra tấn hiểm ác của kẻ thù không thể làm bà và nhiều nữ tù khác gục ngã. Trong họ luôn có niềm tin rằng rồi sẽ đến ngày đất nước thống nhất.
Niềm tin đó đã trở thành hiện thực với chiến thắng ngày 30-4-1975 lịch sử, mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất, hòa bình của đất nước.
Trên hành trình đi tìm độc lập, tự do cho đất nước, các nữ cựu tù chính trị đã luôn can trường để chiến đấu với kẻ thù. Khi trở về đời thường, họ tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Các dì, các mẹ, các chị ngày đó giờ tuổi đời đã ngoài 60 nhưng vẫn chưa nghỉ ngơi. Họ vẫn miệt mài với các công việc giúp ích cho cộng đồng bằng những việc làm trong cuộc sống hằng ngày. Họ tham gia giúp sức cho các khu phố, chăm lo cho người nghèo, đấu tranh với các tệ nạn xã hội…
Như bà Trương Mỹ Hoa nói thì họ “làm hết mình chứ không làm bỏ mình, sức tới đâu thì còn đóng góp tới đó, không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ” để đóng góp cho đất nước. Trong họ luôn thường trực lòng yêu nước như thế.•
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nói rằng những đau thương, khắc nghiệt của chiến tranh luôn tàn khốc hơn những thước phim, trang sử kể lại.
“Đối với những chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là với các mẹ, các cô, các chị bị địch bắt, tù đày thì sự khắc nghiệt, hy sinh càng gấp bội phần” - Phó Chủ tịch nước bùi ngùi.
Bà bày tỏ niềm tin rằng các nữ tù chính trị tiếp tục là những tấm gương sáng, truyền lửa cho thế hệ trẻ, các tầng lớp phụ nữ sống, học tập, làm việc, cống hiến xứng đáng với lớp người đi trước. Bà cũng mong muốn các thế hệ phụ nữ sau này sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống này để cùng viết nên những trang sử vẻ vang của thời đại mới.