Mở sân golf, nhà hàng trong Tân Sơn Nhất
Nói về tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất, ĐB Nguyễn Phước Lộc cho rằng vấn đề này “không xử lý được thì người dân không yên”.
Chính ủy Lâm Quang Đại.
Ông Nguyễn Phước Lộc dẫn chứng tình tạng kẹt xe trước cửa sân bay Tân Sơn Nhất trước kỳ nghỉ 30-4 vừa qua. Kẹt xe khủng khiếp từ 2 giờ chiều tới 11 giờ đêm, bao nhiêu con người bị ảnh hưởng. Trong khi đó lại cho Tân Sơn Nhất khai thác công năng khác, đất sân bay lại được cắt ra làm sân golf, nhà hàng khách sạn.
"Nếu ai có điều kiện vào nhà hàng khách sạn ở khu vực sân bay thì mới thấy lòng đau nhói. Trong khi sân bay quá tải, không đáp ứng được nhu cầu thì đất sân bay lại được cắt sử dụng dùng công năng khác. Chúng ta có suy nghĩ gì về việc này không? Tại sao không mở thêm cửa ngõ sân bay cho các hãng hàng không khai thác, như ở phía đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)" - ông Lộc nêu vấn đề.
"Không nói điềm gở nhưng nếu có sự cố nào đó thì liệu một con đường Trường Sơn hiện nay có đủ để xử lý không" - ĐB này trăn trở.
Theo ông Lộc, nên phải làm nghiên cứu làm sao khai thác hết công suất của sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tiến hành dự án sân bay quốc tế Long Thành.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cũng chia sẻ: Trong quá trình thảo luận của Quốc hội, nhiều cử tri TP.HCM đặt vấn đề liệu Chính phủ đã tính toán đến tương lai của Tân Sơn Nhất hay chưa, khi nào đóng cửa, chuyển sang sân bay quân sự hay duy trì song song với Long Thành? Tại sao không tính toán khai thác Tân Sơn Nhất hiệu quả hơn để tiết kiệm chi phí?...
Sân golf là vấn đề lịch sử
Đại biểu Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, cho biết vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, hai ngành hàng không và quốc phòng đã ngồi lại với nhau và cũng đã có hướng để mở sân bay Tân Sơn Nhất ra một hướng mới.
“Sẽ xây dựng một nhà ga có tính chất lưỡng dụng. Bản thân Quân chủng Phòng không-Không quân đã được Bộ Quốc phòng chỉ đạo. Chúng tôi cũng đã di dời một trung đoàn và một lữ đoàn của không quân vận tải và không quân trực thăng đi Cần Thơ và Biên Hòa, để dành phần đất quân sự để cho phát triển ngành hàng không, đáp ứng nhu cầu hiện nay của Tân Sơn Nhất” - ông Đại nói.
Theo ông Đại, Tân Sơn Nhất hiện có hai đường băng đã được mở rộng, sân đỗ máy bay đang còn thiếu. Kết nối giao thông với sân bay hiện nay vô cùng khó khăn. Hướng tới chỉ có thể mở Hoàng Hoa Thám ra. Về hướng Bắc vẫn có thể mở được, vấn đề tiền đền bù giải tỏa để xây dựng các đầu mối giao thông.
“Tôi nghĩ sân golf chiếm diện tích nhỏ thôi, có 157 ha. Trong đó sân golf 132 ha, còn giai đoạn 2 xây dựng một số hạng mục liên quan đến thể thao thì vẫn chưa triển khai. Mở ra hướng Bắc không khó” - ông Đại nói thêm.
“Tôi là một người bay. Xét về mặt hàng không thì chả có nước nào sân bay nằm ở giữa TP. Sân bay Tân Sơn Nhất trước đây khi thiết kế đã nằm ở ngoại ô TP. Quận 12, quận Gò Vấp những năm 1980, 1990 chưa có gì cả. Nhưng bây giờ bay ở trên nhìn xuống, Tân Sơn Nhất như một tam giác nằm giữa TP. Tôi thấy rất nguy hiểm” - Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân nói.
Theo ông Đại, thỉnh thoảng có những chiếc máy bay lớn hạ cánh, thổi dòng khí máy bay, thổi tốc mái nhà bà con ở đường Quang Trung. Bà con cũng kiến nghị đến sân bay rất nhiều.
“Sự tồn tại của sân bay hiện nay tôi thấy đã vô lý rồi. Nếu xảy ra sự cố hàng không thì chuyện về chiếc máy bay là đương nhiên. Nhưng ở mặt đất tai nạn sẽ khôn lường. Cần thiết chuyển về Long Thành” - ông Đại nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xây dựng hai sân golf, ông Đại nói “đây là vấn đề lịch sử”. Sân golf xây từ 2007, chính thức khai thác vào 2015. Để xây dựng được hai sân golf này có tới 133 văn bản từ các địa phương đến bộ, ngành.
“Hiện nay Bộ Quốc phòng thống nhất về mặt quan điểm sẽ thu hồi bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu về mặt quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên. Tất cả công trình trên sân golf nếu ảnh hưởng đến an toàn bay, hàng không, Bộ Quốc phòng sẽ kiên quyết cho triển khai” - ông Đại cho biết.