Đột nhiên có một tài khoản Facebook giả mạo (tôi tìm hiểu thì biết là của công ty tài chính lập nên) đưa thông tin của tôi lên Facebook để đòi nợ, ảnh hưởng đến danh dự của tôi. Vậy giờ tôi phải làm sao?
Bạn đọc Lê Ngọc Tuấn (tuanken...@gmail.com)
Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu người nợ vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hai bên có thể thỏa thuận về hướng giải quyết như gia hạn, miễn, giảm lãi... Trường hợp không thương lượng được, chủ nợ có quyền khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để giải quyết. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà người vay vẫn không thực hiện thì công ty tài chính có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án này.
Trong trường hợp này, công ty tài chính đã đưa thông tin cá nhân khách hàng lên Facebook để đòi nợ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của anh Tuấn thì anh có thể yêu cầu công ty tài chính dừng ngay việc phát tán, gỡ bỏ thông tin trên Facebook và anh có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai.
Ngoài ra, người đăng thông tin có thể còn bị xử phạt hành chính về các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 thì mức phạt cho các hành vi vi phạm trên là từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Thực tế, có một số trường hợp do nhận thức hạn chế mà chủ nợ vi phạm pháp luật (chủ yếu diễn ra trong hoạt động cho vay tín dụng đen) như đổ chất bẩn, đến khu vực nhà con nợ chửi bới hoặc có hành vi khống chế con nợ để lấy tài sản; tự ý lấy tài sản của con nợ mang đi.
Trong những trường hợp này, người đi đòi nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS hoặc tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS.