Làm giàu bất hợp pháp sẽ bị xử lý

Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa giới thiệu toàn văn dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng để lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo này nêu rõ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), bảo đảm các quy định pháp luật của Việt Nam phù hợp với công ước thì cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiến hành nội luật hóa các quy định của công ước vào pháp luật Việt Nam.

Cơ quan chống tham nhũng phải độc lập

Cụ thể, đối với biện pháp phòng ngừa, dự thảo nhấn mạnh việc tăng cường tính độc lập cần thiết cho các cơ quan PCTN để chủ động thực hiện tốt chức năng PCTN và sự phối hợp trong công tác này. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện cơ chế, quy định về công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát về thực hiện mua sắm công. Dự thảo cũng đề xuất cần hoàn chỉnh hơn quy định về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức..., hình thành bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức theo lĩnh vực và ngành nghề.

Làm giàu bất hợp pháp sẽ bị xử lý ảnh 1

Quy định về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức cũng là một nội dung cần hoàn chỉnh để chủ động trong công tác PCTN. Trong ảnh: Các thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tuyển cán bộ, công chức tại TP.HCM năm 2009. Ảnh: HTD

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự để bổ sung một số tội mới trong lĩnh vực này. Cụ thể là bổ sung tội đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế và một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật PCTN. Cùng đó, nghiên cứu để bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản; bổ sung quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng; hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức nếu có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp. Dự thảo cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp.

Sẽ có Luật Bảo vệ nhân chứng

Dự thảo đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ nguồn tin tố giác tham nhũng: Cụ thể hóa và hoàn thiện quy định về bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân là người đã cung cấp lời khai, cung cấp thông tin liên quan đến tố giác tham nhũng. Song song đó cần có cơ chế khen thưởng người có thành tích trong PCTN và người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng. Dự kiến quy chế khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong PCTN và quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng sẽ được trình Chính phủ ban hành vào giữa năm 2010. Sau đó một năm, Luật Bảo vệ nhân chứng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo cũng sẽ được trình Quốc hội thông qua.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, dự thảo đề xuất bổ sung thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự của tòa án nước ngoài; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản do tham nhũng. Cùng đó cần sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; nghiên cứu bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Ngoài ra, dự thảo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì sửa đổi Nghị định 37/2007 để bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ tài khoản của quan chức và người thân của họ.

Ngày 30-6-2009, Chủ tịch nước đã phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 18-9-2009.

Từ 9 đến 13-11, lần đầu tiên Việt Nam đã dự Hội nghị các nước thành viên UNCAC, tổ chức tại Doha, thủ đô Qatar. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết tại hội nghị này, các thành viên đã thông qua được bốn công ước về cơ chế đánh giá việc thực hiện công ước, về các biện pháp PCTN, về cụ thể hóa việc thu hồi tài sản tham nhũng và về hỗ trợ kỹ thuật thực hiện công ước.

Hội nghị đi đến thống nhất là yêu cầu các nước thành viên ban hành luật về thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, đồng thời cho phép phong tỏa, tạm giữ tài sản bị tình nghi có nguồn gốc tham nhũng trong thời gian tòa án nước thành viên khác đang điều tra, xét xử vụ tham nhũng đó. “Với cơ chế đó, khi phát hiện quan chức ta có tài khoản nguồn gốc tham nhũng ở nước ngoài thì Việt Nam có thể yêu cầu nước đó phong tỏa theo quy định của họ và ngược lại cũng như vậy” - ông Lượng nói.

N.NHÂN

MINH CƯỜNGgiới thiệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm