Làm sao khỏi bị đuối nước ở biển Vũng Tàu?

Sáng 25-8, Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội thảo khoa học “Dòng RIP/Ao xoáy - Nguyên nhân và giải pháp khắc phục”. Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng mong muốn nhận diện và tìm ra giải pháp khắc chế ao xoáy, dòng chảy nguy hiểm để người dân, du khách yên tâm hơn khi tắm biển tại TP Vũng Tàu.

Tử vong chủ yếu do lọt ao xoáy

TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có nhiều bãi biển đẹp với các bãi tắm nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước từ lâu biết tới như Bãi Dâu, Bãi Dứa, Bãi Trước và Bãi Sau… Chỉ riêng năm 2015, ước tính có hơn 3,5 triệu lượt khách tới Vũng Tàu chủ yếu để vui chơi, tắm biển tại Bãi Sau. Tuy nhiên, đặc điểm tự nhiên của vùng biển này có nhiều ao xoáy dễ gây mất an toàn cho du khách khi tắm biển. Rất nhiều vụ tử vong vì đuối nước xảy ra tại đây khi du khách không may lọt vào khu vực này.

Theo thống kê của TP Vũng Tàu, từ năm 2010 đến tháng 8-2015, tại biển TP Vũng Tàu ghi nhận có gần 60 trường hợp tử vong khi tắm biển. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do du khách bơi ra xa hoặc lọt vào ao xoáy, dòng chảy nguy hiểm dẫn tới đuối nước và tử vong.

Lúc 10 giờ sáng 27-4-2015, hai sinh viên Huỳnh Trọng Nghĩa, Huỳnh Thanh Tuấn (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) cùng nhóm bạn xuống vui chơi, tắm biển tại khu vực đài cấp cứu số 2, Bãi Sau. Vị trí nhóm này tắm thuộc khu vực được cảnh báo nguy hiểm. Lực lượng cấp cứu đã thổi còi yêu cầu không bơi vào vùng này nhưng nhóm du khách không chấp hành. Một lúc sau, Tuấn và Nghĩa chới với, có dấu hiệu bị lọt ao xoáy. Lúc này, lực lượng cấp cứu đã bơi ra cứu được Tuấn, đưa vào bờ hô hấp nhân tạo và chuyển đến bệnh viện nhưng sau đó Tuấn đã tử vong. Hai tiếng sau, lực lượng cấp cứu cũng vớt được thi thể Nghĩa.

Trước đó, một vụ đuối nước đáng tiếc khác cũng xảy ra khiến hai thanh niên tử vong. Ba thanh niên gồm Lê Nghĩa Hoàng, Nguyễn Cao Sang và Mai Minh Châu (ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cùng nhiều thanh niên khác trong xã tổ chức đi tắm biển ở Bãi Sau. Dù được cảnh báo của lực lượng cứu hộ nhưng nhóm này vẫn bơi ra xa. Do gặp sóng mạnh, lọt ao xoáy nên cả ba bị cuốn đi sau đó được xác định tử vong.

Du khách không nên tắm ở khu vực có cờ đen vì khi thủy triều lên, nơi này trở thành khu vực nguy hiểm, có thể có ao xoáy. Ảnh: KHÁNH LY (Ảnh chụp ở Bãi Sau ngày 24-8.)

Du khách nhổ bỏ cờ cảnh báo

Những ca bị rơi vào ao xoáy như vậy đã ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến tâm lý du lịch tại khu vực Bãi Sau, TP Vũng Tàu. Tại hội thảo sáng 25-8, những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn đuối nước tại biển Bãi Sau, TP Vũng Tàu được chỉ ra: Do người đi tắm biển không nắm được quy luật hoạt động và cách thức để thoát khỏi khu vực nguy hiểm dẫn tới đuối sức và tử vong.

Một số du khách tắm quá sớm khi trời còn tối (4-5 giờ sáng) và tắm quá trễ (6-8 giờ tối) khi lực lượng cấp cứu đã ra về. Một số người biết bơi nhưng chủ quan nên bơi xa rồi gặp các dòng chảy cuốn bị đuối sức trong khi lực lượng cứu hộ không bơi ra kịp. Có trường hợp khác lại mắc một số bệnh về tim mạch hoặc nhậu say xỉn vẫn xuống tắm, không tuân theo hiệu lệnh của lực lượng cấp cứu, thậm chí có người còn nhổ bỏ luôn cờ cảnh báo nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số bãi tắm do lo sợ mất khách nên không cắm cờ đen (cảnh báo nguy hiểm).

Ông Trần Văn Trường - Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, một người đã làm công tác cứu hộ, gắn với biển Bãi Sau 25 năm nay cho biết lực lượng cứu hộ của ban quản lý các khu du lịch phải trực chốt dọc bờ biển, khu vực có ao xoáy, dòng chảy, dùng cờ đen, cây tầm vông được sơn trắng đỏ cắm ở các đầu ao xoáy, đầu các dòng chảy để báo hiệu cho người dân và du khách biết đó là khu vực nguy hiểm để phòng tránh. Việc cắm cờ đen phải được tiến hành trước các ao xoáy, dòng chảy ít nhất là 5 m hoặc 10-15 m. Lực lượng cứu hộ sẽ thổi còi, hướng dẫn, ngăn chặn du khách khi nhận thấy nguy hiểm. Các chủ bãi tắm, người cho thuê phao phải có trách nhiệm hướng dẫn du khách tắm bằng phao bơi có dây an toàn. Hiện nay loại phao này đã được sử dụng tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Riêng tại TP Vũng Tàu đã sử dụng khoảng 3.000 phao.

“Trên hết, du khách cần có ý thức bảo vệ an toàn cho mình, nghe hiệu lệnh và chấp hành nghiêm túc sự hướng dẫn của lực lượng cấp cứu dọc bờ biển, không ra các khu vực đã cắm cờ cảnh báo nguy hiểm để tắm” - ông Trường nhấn mạnh.

Cách nhận biết, thoát khỏi ao xoáy

Các ao xoáy thường rộng 5-10 m, có lúc lên tới 60 m; chiều dài 20-40 m, có lúc tới 100 m. Các ao xoáy nối tiếp nhau. Các ao có độ dài, sâu nhiều hay ít, rộng hay hẹp đều phụ thuộc vào tốc độ gió và thời gian biển động. Thời gian biển động càng lâu, kéo dài một tuần đến một tháng thì ao sẽ sâu và rộng lớn nên rất nguy hiểm.

Du khách khi tắm biển không tắm tại khu vực có cắm cờ đen cảnh báo nguy hiểm, nghe và chấp hành nghiêm hướng dẫn của lực lượng cứu hộ dọc bờ biển. Khi đang tắm biển, nếu thấy dưới chân nước xoáy, cát sụt dần phải nghĩ ngay là đang lọt vào ao xoáy. Lúc này du khách cần giữ bình tĩnh, thả lỏng cơ thể cho thả nổi để dần thoát ra khỏi dòng chảy nguy hiểm.

Gần 3.800 trường hợp du khách, người dân tắm biển lọt ao xoáy đã được các lực lượng cứu hộ biển TP Vũng Tàu cứu  tính từ năm 2010 đến tháng 8-2015. Trong đó năm 2015 là gần 500 trường hợp, kịp thời đưa 19 trường hợp đi cấp cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm