Nội dung vụ kiện
Ông Thông còn được gọi là Huynh Tom Vu, là Việt kiều Mỹ.
Năm 2009, trong lần về nước, ông Thông thấy mắt hơi mờ nên đến khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn (thuộc Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam). Ngày 5-6-2009, ông nhập viện điều trị. Theo chẩn đoán của bệnh viện, mắt phải của ông Thông bị đục thủy tinh thể và phải mổ theo phương pháp Phaco, do bác sĩ Thái Thành Nam và bác sĩ Trần Phạm Duy phẫu thuật. Ngay trong ngày, ông Thông được xuất viện và hẹn một tuần sau tái khám.
Tuy nhiên, sau đó mắt ông Thông đau nặng hơn, không nhìn thấy. Ông đến gặp bác sĩ và được kê đơn thuốc uống cùng dung dịch nhỏ mắt. Thấy có biểu hiện bất thường nên ông đến Bệnh viện mắt TP.HCM khám và được chẩn đoán mắt phải bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc, sẽ mù vĩnh viễn nếu không chữa trị kịp thời.
Quá sợ hãi, ông Thông về Mỹ, đến bệnh viện San Francisco General điều trị hết 46.700 USD.
Không bồi thường vì đã đi khám ở bệnh viện khác
Ảnh minh họa một ca mổ mắt
Sau khi lành bệnh, ông Thông quay lại Việt Nam, làm đơn kiện và yêu cầu bồi thường số tiền 85.000 USD (gồm chi phí điều trị, chi phí đi lại và tiền mất thu nhập). Ông Thông cho rằng mắt bị giảm thị lực là do “các bác sĩ Bệnh viện Mắt Sài Gòn cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp”.
Về phần mình, đại diện bệnh viện không đồng ý bồi thường vì sau phẫu thuật ông Thông đã tự ý đến điều trị tại các bệnh viện khác.
Xử sơ thẩm tháng 4, TAND TP.HCM nhận định căn cứ hồ sơ và các chứng cứ do hai bên cung cấp, sau khi mổ ông Thông đã được tái khám nhưng rồi tự ý bỏ về Mỹ mà không có thỏa thuận với bệnh viện.
Dù ông cho rằng sau đó giữa ông và các bác sĩ có trao đổi và hứa hẹn qua điện thoại rằng “cứ điều trị đi, bệnh viện sẽ thanh toán lại” nhưng điều này không được phía bị đơn thừa nhận.
Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến chứng y khoa như do cơ địa, hạn chế tay nghề, sai sót y khoa, điều trị không đúng... Do đó, không thể kết luận bác sĩ mổ gây nên biến chứng mắt cho ông.
Bác sĩ trực tiếp mổ không tới tòa
Kết luận của Viện pháp y quốc gia (Phân viện tại TP.HCM) về việc bệnh viện cũng có một phần lỗi
Ông Thông kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong phiên phúc thẩm hôm qua, dù được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng bác sĩ Thái Thành Nam vẫn không có mặt.
HĐXX bày tỏ sự không hài lòng về việc thiếu hợp tác của bác sĩ Nam khiến phải hoãn tòa nhiều lần.
Tại tòa, Giám định viên Đại diện Hội đồng giám định thuộc Viện pháp y quốc gia (Phân viện tại TP.HCM) cho biết qua hồ sơ bệnh án cho thấy bệnh viện đã có một phần lỗi.
Cụ thể, trước khi cho xuất viện, bệnh viện không khám lại sau mổ và không kiểm tra thị lực nhãn áp mắt mà chỉ ghi tình trạng ổn định, đánh giá tình trạng người bệnh ra viện: không ghi rõ tình trạng nhãn áp mắt bao nhiêu cũng như các thông tin khác. Bệnh viện không theo dõi bệnh nhân sau mổ theo đúng các nội dung quy định trong quy trình phẫu thuật Phaco do chính Bệnh viện Mắt Sài Gòn ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-10-2005.
Tuy nhiên, đại diện bệnh viện lại cho rằng chỉ có thể đo nhãn áp cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật, còn sau khi phẫu thuật mắt nạn nhân đang đau nên “không thể vạch lên mà đo được”. Phía bệnh viện cũng thừa nhận sau khi mổ hai tiếng đã cho ông Thông xuất viện.
Được tòa hòa giải, phía nguyên đơn chấp nhận bớt số tiền yêu cầu bồi thường xuống còn hơn 46.700 USD, là chi phí điều trị tại Mỹ, không đòi các khoản mất thu nhập và chi phí đi lại.
Sau đó, hai bên đã đề nghị cho hoãn tòa để tiếp tục thương lượng. HĐXX yêu cầu đương sự nhanh chóng giải quyết trong vòng nửa tháng. Nếu hai bên thỏa thuận không thành, tòa sẽ mở lại phiên xử vào đầu tháng 12.