CHIẾN DỊCH ĐÓNG CỬA BANGKOK

Lãnh đạo biểu tình không thỏa hiệp

Ngày 14-1 là ngày thứ hai trong chiến dịch đóng cửa Bangkok. Báo The Nation (Thái Lan) ghi nhận tình hình biểu tình diễn ra trong hòa bình trừ sự cố một quả bom tự chế phát nổ tại tỉnh Pattani nhưng không ai bị thương.

Tại Bangkok, đường phố xung quanh bảy điểm biểu tình tiếp tục bị phong tỏa.

4.000 quân cảnh được giao nhiệm vụ điều phối giao thông. 20 tuyến xe buýt nội thành phải chuyển hướng để tránh bảy điểm biểu tình.

Dù một số văn phòng chính phủ đã bị phong tỏa nhưng dịch vụ công vẫn diễn ra bình thường. Các bộ, ngành như hải quan, thương mại, lao động đã lập đường dây nóng cho dân. Quân đội cho phép binh sĩ mặc thường phục đi làm. Nhân viên không phụ trách công việc khẩn cấp được phép ở nhà.

Người biểu tình chống chính phủ vẫy cờ tại tượng đài Chiến thắng ở Bangkok. Ảnh: REUTERS

Sáng 14-1, những người biểu tình đã bao vây Cục Hải quan, Bộ Thương mại, Bộ Lao động và yêu cầu các công chức nghỉ làm. Sau đó, họ di chuyển đến trụ sở cảnh sát hoàng gia và dọa sẽ tiến vào trụ sở. Một nhóm tiến vào đại sảnh Cục Giao thông vận tải.

1.000 người biểu tình do nhóm Mạng lưới Sinh viên và Nhân dân vì cải cách Thái Lan đã buộc 100 cán bộ Văn phòng Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia nghỉ làm năm ngày.

Phe biểu tình tuyên bố không phong tỏa sàn giao dịch chứng khoán và trung tâm điều hành không lưu. Dù vậy, phòng vé của hãng hàng không Thai Airways tại khu liên hợp chính phủ cùng với 135 chi nhánh ngân hàng ở Bangkok phải đóng cửa.

Tại các tỉnh, các cơ quan hành chính tỉnh và cơ quan nhà nước ở chín tỉnh miền Nam đã phải đóng cửa. Những người biểu tình dán thông báo cấm công chức làm việc. Tại tỉnh Songkhla, họ niêm phong các văn phòng ở tòa thị chính, phong tỏa cổng vào và dựng lều trong khuôn viên tòa thị chính.

Theo báo Bangkok Post, ngày 14-1, phe áo đỏ (ủng hộ chính phủ) đã bắt đầu có phản ứng bằng cách tổ chức tuần hành ở 21 tỉnh phía Bắc và Tây Bắc để lên án hành động cản trở bầu cử của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ).

Phe áo đỏ tố cáo phe biểu tình chống chính phủ đang hủy hoại hình ảnh Thái Lan và phá hoại kinh tế.

Chủ tịch Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (ủng hộ chính phủ) Tida Tawornseth kêu gọi những người ủng hộ mặc áo trắng, đốt nến trên đường phố hằng ngày và tố cáo ý đồ đảo chính.

Bà đề nghị dựng bốn sân khấu chống đảo chính ở các tỉnh và hằng đêm sẽ có diễn giả đăng đàn phát biểu. Bà khẳng định phong trào do bà khởi xướng là phi bạo động.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban đã tuyên bố bác bỏ mọi thỏa hiệp với chính phủ. Ông kêu gọi thành lập chính phủ lâm thời, cải cách trước bầu cử và khẳng định đảng Dân chủ (đối lập) sẽ tẩy chay bầu cử ngày 2-2.

Ông tuyên bố tăng cường bao vây dinh thự thủ tướng và các bộ trưởng, thậm chí sẽ bắt năm thành viên nội các chủ chốt nếu họ không từ chức. Ông cho biết ngày 15-1 sẽ dẫn đầu nhóm biểu tình chiếm giữ các văn phòng chính phủ.

DUY KHANG

Ngày 14-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố Mỹ hối thúc các bên ở Thái Lan kiềm chế, tôn trọng luật pháp và khuyến khích các bên đối thoại tiến tới chuyển giao dân chủ trong hòa bình. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (anh trai Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra) đã kêu gọi bà Yingluck Shinawatra không từ chức và tiếp tục tổ chức bầu cử ngày 2-2. Trước đó, bà có dấu hiệu đầu hàng. Trong cuộc điện đàm với Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha, bà nói tình hình căng thẳng chính trị đã khiến bà cảm thấy mệt mỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm