"Nhiều người biết con họ ở đây nên tìm đến. Người từng bỏ con thấy tội lỗi cũng qua thắp hương. Lại có đôi lúc cưới nhau không có con, mới hối hận qua đây cầu tự", ông buồn nói.
Ngôi mộ tập thể của những hài nhi xấu số luôn nghi ngút hương, hoa của những người lạ mặt mang đến. Ảnh: P.D. |
Tháng 3/2007, ông Nho bị sốt virus, điều trị ở Bệnh viện Thường Tín. Trước ngày xuất viện, ông vô tình chứng kiến một ca phá thai to. Cái thai đã 7 tháng, bác sĩ dùng nhiều cách mà thai không ra, sau cùng phải cắt. "Lúc đó tôi thực sự run sợ, cả đêm bị ám ảnh, cũng là một con người mà bị tước mạng sống. Sáng hôm sau tôi quay lại đặt vấn đề với bệnh viện xin đưa đứa bé đó về chôn cất", ông kể.
Ông được chỉ ra chỗ đặt xác, mở túi ra thì biết không phải một mà có tới 16 hài nhi. "Từ đấy trở đi ngày nào tôi cũng qua đó mang các em về tắm rửa, chôn cất. Hôm ít nhất cũng phải 4 em", ông Nho cho biết.
Tháng 12 năm đó, câu lạc bộ thiện nguyện Bác ái do ông làm trưởng nhóm ra đời. Mục tiêu đầu tiên là đi khuyên giải những người muốn bỏ con từ bỏ ý định, bất đắc dĩ mới mang thi thể về chôn. Nhóm mở rộng hoạt động ra các phòng khám tư, các bệnh viện lớn trên Hà Nội. Ban đầu các thành viên tiếp xúc, hỏi han, tâm tình. Sau đó khuyên bảo bà bầu từ bỏ ý định, kể ra các nguy cơ của việc nạo phá, cũng như những câu chuyện xúc động mà nhóm từng chứng kiến... Nhiều người vẫn từ bỏ đứa con, nhưng cũng có một số hứa không bỏ.
"Chúng tôi cũng không xác định được họ có quay lại, hoặc đi phá ở đâu khác. Chỉ có 18 trường hợp cơ nhỡ được chúng tôi khuyên giải, đem về cho ăn ở là chắc chắn. Giờ họ đã sinh con, đứa bé chào đời khỏe mạnh", ông lão cho biết.
Làm được nhiều việc thiện song ông Nho luôn cảm thấy mình bất lực vì thực tế tình trạng nạo phá thai vẫn cứ tăng, nhất là trong phụ nữ trẻ. Ảnh: P.D. |
Ông kể, có một cô gái cùng làng bị người yêu bỏ khi đã mang thai. Gia đình cô rất hoàn cảnh, bố bị chất độc da cam, mẹ không bình thường, cô lại là con cả. Biết tin cô muốn phá thai, nhóm Bác ái đã đến khuyên giải, sau đó cho đi nhà chờ, nuôi ăn ở đến khi đứa bé cứng cáp. Giờ cô gái ở cùng bố mẹ, bán hoa quả chăm con.
Một trường hợp khác ở La Phù (Hà Đông) được nhóm kịp thời giải cứu khi chuẩn bị phá thai. Chị này mang thai con thứ ba, gia đình khó khăn nên đi phá. Sau khi được khuyên, chị đồng ý giữ lại con nhưng lại bị gia đình chồng hắt hủi. Nhóm thiện nguyện cho chị nương nhờ đến ngày sinh nở. "Sau gia đình hối hận đến nhận lại cháu và còn muốn trả tiền cho chúng tôi đã chăm sóc 2 mẹ con", ông cho biết.
Trường hợp khuyên giải khó khăn nhất là một nữ sinh quê Hà Nam, trọ ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhà có 2 mẹ con, ngày con đi đại học mẹ cũng ra thành phố làm đủ nghề để nuôi con. Chẳng ngờ cô con gái mang thai, bị người yêu hắt hủi, sợ tiếng xấu đồn về làng nên 2 mẹ con nhất quyết bỏ.
"Lúc tôi nghe tin về trường hợp này thì cô gái muốn nhảy lầu tự tử vì không có 5 triệu đồng phá cái thai đã 7 tháng. Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian khuyên giải cả 2 mẹ con, sau đó còn đưa cô ấy đi lánh nạn, nuôi ăn uống chờ ngày sinh đẻ. Giờ thì bé Hoài Thương con nữ sinh viên đó đã được 4 tuổi. Bé vẫn thường được mẹ đưa qua chơi với chúng tôi", ông nở nụ cười hiếm hoi.
Cũng có trường hợp dù nhóm thiện nguyện chăm sóc nhưng cuối cùng họ vẫn phá bỏ đứa con. Đó là sinh viên có quan hệ với một thợ xây quê Thừa Thiên - Huế. Anh này đã có vợ con ở quê. Khi được nhóm khuyên giải, cô gái từ bỏ ý định phá thai. "Ở trong nơi lánh nạn một thời gian cô ấy bỏ đi, còn nhóm thì mất 3,6 triệu đồng nuôi ăn uống mà không giữ được đứa bé", lão nông thở dài.
|
Nơi chôn cất các hài nhi được đào sâu tới 3 m. Mỗi tuần nhóm tổ chức an táng 2lần. Ảnh: P.D. |
Tự nhiên vướng vào việc "trời đày", nhà cửa bị bỏ bê khiến bà Linh - vợ ông Nho- phải lo cả mẫu ruộng, nuôi con học đại học, lại chăm cháu, vợ chồng xích mích thường xuyên. "Bị nói nhiều, ông ấy dậy sớm đi cắt cỏ, dắt 2 cặp bò đi chăn nhưng vẫn không bỏ được công việc ấy. Ngày nào ông ấy cũng đi, buổi trưa thì hì hụi ngoài nghĩa trang. Từng có thời gian làng nước nói ông thần kinh không bình thường", bà phàn nàn.
May mắn, ông Nho có những người đồng hành nhiệt tình. Bằng cái xe đạp, ngày nào bà Ninh (56 tuổi) cũng đến các phòng phá thai, tiếp cận, khuyên giải. Có trường hợp bà còn quỳ xuống van xin người mẹ đừng bỏ con. "Lại có bà cụ Hạnh, mẹ liệt sĩ 82 tuổi là người đầu tiên đồng hành cùng tôi. Những năm trước còn khỏe bà cụ vẫn đạp xe đến các bệnh viện mang thi thể hài nhi về chôn. Giờ già hơn, cụ vẫn bán hoa để lấy tiền lãi giúp nhóm. Những bông hoa cúc trắng, cúc vàng trên mộ là cụ mang ra cho các bé", ông nói.
Hiện nay, nhóm đã mua được một chiếc tủ đông lạnh. Hằng ngày các thành viên mang xác hài nhi về khâm liệm, đặt ngăn nắp trong tủ đông. Một tuần 2 lần, ông Nho tổ chức an táng. "Tôi chỉ mong không còn người phá thai để không phải đi làm công việc trời đày này nữa", ông già 67 tuổi bộc bạch.
Theo Phan Dương (VNE)