Libya bốn năm sau cuộc lật đổ Gaddafi

Tại Libya đang tồn tại hai chính quyền song song. Tháng 8 năm ngoái, liên minh dân quân Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya) đánh chiếm thủ đô Tripoli và thành lập Đại hội đồng quốc gia. Chính quyền và Quốc hội được quốc tế công nhận phải chạy về Tobruk ở miền Đông.

GS Moncef Ouannès tại ĐH Tunis (Tunisia) nhận định cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi thất bại vì ba lý do: Cuộc nổi dậy mang yếu tố Hồi giáo bởi do các nhân vật Hồi giáo cực đoan cầm đầu, Libya không có cấu trúc nhà nước và quân đội mạnh để bảo đảm thời kỳ quá độ và súng ống ở Libya nhiều quá (trung bình mỗi gia đình có sáu khẩu súng).

Theo chuyên gia Michael Nayebi-Oskoui ở Trung tâm nghiên cứu Stratfor (Mỹ), Libya phải mất nhiều năm nữa mới có thể xây dựng được một đất nước vững mạnh bởi hậu quả do nhà lãnh đạo Gaddafi để lại. Gaddafi đã xây dựng một guồng máy quốc gia lấy cá nhân làm trung tâm chứ không phải một thể chế nhà nước. Nạn tham nhũng hoành hành từ chính trị, kinh tế, xã hội cho đến thể thao. Trong khi đó, các bộ tộc ở địa phương và các nhóm sắc tộc ráo riết giành giật quyền lực.

Hiện nay kinh tế Libya có nguy cơ sụp đổ bởi xuất khẩu dầu mỏ đã giảm hơn 50% sản lượng (chỉ còn 400.000 thùng/ngày). Ngày 8-10, sau nhiều tháng thương lượng với nước trung gian đàm phán Morocco, đặc phái viên LHQ tại Libya đã đưa ra phương án thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi đây là cơ hội cho Libya xây dựng lại đất nước sau khi lật đổ chế độ cũ năm 2011. Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini kêu gọi các bên ở Libya cần đồng thuận vào thời khắc lịch sử này và hứa hẹn sẽ viện trợ 100 triệu euro cho chính phủ mới ở Libya.

Thế nhưng xôi hỏng bỏng không! Chính quyền tự xưng ở Tripoli và Quốc hội hợp pháp ở Tobruk đều bác bỏ kế hoạch của LHQ. Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Sudan thì ủng hộ chính quyền tự xưng ở Tripoli trong khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập lại ủng hộ chính phủ hợp pháp ở Tobruk. Thái tử Qatar giải thích Qatar đã chi 5 tỉ USD cho Libya thì không lý gì lại để cho giới thế tục cầm quyền.

Lợi dụng tình hình rối ren về chính trị và an ninh ở Libya, quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã lấn chiếm lãnh thổ Libya. Bọn buôn người cũng tổ chức đưa người vượt biên sang châu Âu để thu lợi bất chấp làn sóng người di cư gây sức ép lớn cho châu Âu và Địa Trung Hải biến thành mồ chôn người tị nạn.

Hiện nay Libya đã trở thành một tác nhân gây bất ổn không chỉ ở Libya mà còn gây bất ổn cho các nước láng giềng và ở châu Âu. Bởi thế chỉ có đoàn kết dân tộc mới có thể đưa tình hình Libya trở lại bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới