Chủ tịch Liên đoàn Ả Rập Nabil al-Arabi nói trong phiên khai mạc rằng sự trỗi dậy của IS không chỉ thách thức chính quyền sở tại mà còn đe doạ “sự tồn tại của Iraq và các nước khác”. Ông kêu gọi đưa ra một nghị quyết rõ ràng và hữu hiệu để đấu tranh với nhóm khủng bố trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá.
Nguồn tin từ Iraq tiết lộ rằng Baghdad đã soạn thảo nghị quyết cho phép Liên đoàn Ả Rập tấn công lực lượng IS, đồng thời tố cáo tội ác chiến tranh và chống lại loài người mà IS đã thực hiện.
Các nguồn khác cho hay Liên đoàn Ả Rập sẽ đồng thuận về một nghị quyết có ghi nhận những chiến dịch không kích của Mỹ. Truyền thông Ai Cập dẫn nguồn cho rằng các bộ trưởng đã đồng ý sẽ phối hợp cùng với Hoa Kỳ và Iraq trong cuộc chiến này, mặc dù không công bố điều này trong nghị quyết chính thức.
Dự thảo của Iraq cũng ghi nhận nghị quyết do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng trước. Bản nghị quyết kêu gọi các nước thành viên “ngăn chặn dòng chảy nhân lực, tài lực và các nguồn hỗ trợ khác cho những nhóm Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria”.
Những tuyên bố này đang ngầm ủng hộ cho chiến lược tấn công IS của Washington mà không cần nêu đích danh cường quốc này.
Ông Arabi cho rằng các hành động quân sự có thể được tiến hành trên cơ sở hiệp ước phòng thủ chung của Liên đoàn Ả Rập. Đồng thời, Liên đoàn Ả Rập cũng đề nghị các phe phái tại Syria đàm phán, xây dựng một chính quyền phối hợp để có thể chống lại lực lượng IS tại Syria.
Hội nghị ngoại trưởng các nước Liên đoàn Ả Rập họp khẩn tại Cairo ngày 7-9 (Reuters)
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng “trừ khử” các lãnh đạo IS. Những đồng minh NATO đã chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự chung.
Theo ông Obama, các quốc gia Ả Rập cần cân nhắc đến biện pháp quân sự chống lại lực lượng IS, cắt đứt các khoản tài trợ của tổ chức này. Đồng thời, các tín đồ Hồi giáo, đặc biệt là những người Sunni trung lập, không được hợp tác với IS.
Trong những tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ công du Ả Rập Saudi và Jordan. Các cuộc hội đàm sẽ xoay quanh việc liệu những nước vùng Vịnh có sẵn sàng chứng thực tuyên bố chống thánh chiến của mình bằng hành động hay không.